Theo SCMP, trước tình trạng nhu cầu tiêu dùng giảm sút và khó khăn kinh tế ở Trung Quốc, Alibaba Group Holding đã cho gần 10.000 nhân viên nghỉ việc trong quý II do doanh số thương mại điện tử bước vào giai đoạn trì trệ.
Tổng cộng 9.241 nhân viên đã rời Alibaba chi nhánh Hàng Châu. Hiện lực lượng nhân sự của tập đoàn giảm từ 254.941 (tính đến cuối tháng 3) xuống còn 245.700 người.
Như vậy, trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, Alibaba đã sa thải 13.616 lao động, đợt tinh giản biên chế đầu tiên kể từ tháng 3/2016.
Alibaba đang hoạt động tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Dẫu vậy, ngoài bối cảnh kinh tế và nhu cầu thiếu lạc quan, hãng còn đối mặt với áp lực pháp lý từ giới chức Trung Quốc.
Mặt khác, một năm trước, Alibaba liên tục mở rộng quy mô nhân sự, điển hình như chuỗi bán lẻ hàng tạp hóa và tươi sống Freshippo. Từ tháng 9 đến tháng 12/2020, số lượng nhân viên của công ty đã tăng gấp đôi, từ 122.399 người lên 252.084 lao động, nhờ việc mua lại nhà điều hành siêu thị Sun Art Retail Group.
Theo Cheng Yu - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kandong Bắc Kinh - việc tinh giản biên chế và hoạt động có thể giúp Alibaba tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi cũng như củng cố tỷ suất lợi nhuận. Trên thực tế, Alibaba có nhiều mảng kinh doanh khó phát sinh lợi nhuận và không phục vụ mảng cốt lõi.
Mảng kinh doanh đám mây hiện được coi là động lực tăng trưởng mới của Alibaba. Song tăng trưởng doanh thu của đơn vị này đã chậm lại 10% trong quý trước, so với mức tăng 20% trong quý IV/2021 và mức tăng 12% trong quý I.
Mới đây, gã khổng lồ thương mại điện tử cho biết doanh thu quý II ghi nhận ở mức 30,4 tỷ USD, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, lợi nhuận ròng của tập đoàn giảm tới 50% từ 6,6 tỷ USD xuống 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm CEO Daniel Zhang Yong thông báo sẽ bổ sung gần 6.000 sinh viên mới tốt nghiệp vào đội ngũ nhân sự trong năm nay.
Theo báo cáo trích dẫn từ nguồn tin riêng của Economics Weekly, Alibaba bắt đầu giảm biên chế thông qua các đợt cắt giảm lao động từ tháng 5. Không riêng Alibaba, nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent cũng rơi vào tình cảnh tương tự.