Theo Nikkei Asia Review, sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt ở Đông Nam Á, các nhà bán lẻ trực tuyến đến từ Trung Quốc đang chuẩn bị khai thác các thị trường “trưởng thành” hơn ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tháng 12/2022, Alibaba đã cho ra mắt nền tảng mới có tên Miravia tại Tây Ban Nha với mục tiêu phục vụ khách hàng có thu nhập trung bình và cao. Trong khi đó, AliExpress, cũng là nền tảng mua sắm của Alibaba, đang gặp khó khăn khi cố gắng giành chỗ đứng tại Mỹ.
Mặt khác, đối thủ Pinduoduo sau khi thâm nhập vào thị trường Mỹ từ tháng 9 năm ngoái đang chuẩn bị ra mắt trang thương mại điện tử (TMĐT) có tên là Temu tại Canada và Tây Ban Nha.
Ngay cả Tiktok, nền tảng của ByteDance, cũng bắt tay vào hành động. Nền tảng này bắt đầu triển khai kênh bán hàng TikTok Shop ở Mỹ vào cuối năm ngoái và đang tìm cách ra mắt sớm ở Tây Ban Nha.
Thị trường Trung Quốc chật chội
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn duy trì căng thẳng, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ. Bản thân TikTok đang là mục tiêu bị Washington giám sát chặt chẽ.
Sự hiện diện của những ông lớn như Amazon tại Mỹ và gã khổng lồ thời trang Inditex ở Tây Ban Nha là một trở ngại với các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có nhiều lý do giúp kế hoạch xâm nhập thị trường có ý nghĩa.
Alex Zhang - Phó chủ tịch cấp cao của Xingyn (công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng trực tiếp cho người nước ngoài) - cho biết tình trạng tốc độ tăng trưởng người dùng trong nước chậm lại đang thúc đẩy các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đẩy mạnh ra nước ngoài. Các công ty cũng để ý đến số lượng người bán Trung Quốc đáng kể đang hoạt động trên Amazon.
Điều này giúp người bán Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với các nền tảng TMĐT quê nhà hơn. Những năm gần đây, các nhà bán hàng đang tăng tốc đẩy mạnh hoạt động ra nước ngoài. Đó cũng là động lực khác cho việc mở rộng của các nền tảng bán lẻ trực tuyến
Alex Zhang, Phó chủ tịch cấp cao của Xingyn
Theo một báo cáo của eMarketer vào tháng 6/2022, Amazon chiếm tới 37,8% tổng doanh số thương mại điện tử ở Mỹ, kế sau là Walmart. Amazon đã đóng khoảng 3.000 tài khoản của người bán Trung Quốc vào năm 2021 do các đánh giá giả mạo. Tuy nhiên, một số người Trung Quốc cũng bắt đầu rời bỏ nền tảng.
Theo Zhang, những người bán này có thể dễ dàng xây dựng gian hàng mới trên Temu hoặc Shein.
Tây Ban Nha được chọn làm cửa ngõ để tiến vào thị trường châu Âu nhờ các chính sách kinh doanh thân thiện cũng như sở hữu tuyến giao thông hàng hải thuận tiện. Theo ông Zhang, những yếu tố này phần nào giúp AliExpress thành công tại Tây Ban Nha.
Không giống như các đối thủ là Alibaba và JD.com vốn chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên cho chiến dịch tiến ra nước ngoài, Pinduoduo bắt đầu mở rộng tại Mỹ và đối đầu trực tiếp với Amazon và Shein.
Với khẩu hiệu “Mua thêm, giảm giá”, Temu cạnh tranh với mức giá cực thấp tượng tự Shein. Đây cũng là chiến lược được áp dụng tại Trung Quốc. Temu cũng tận dụng được lượng người dùng khổng lồ từ Tencent, công ty điều hành ứng dụng nhắn tin và thanh toán WeChat.
Cuộc chiến của các gã khổng lồ
Theo Eric Chen - nhà phân tích ở Thượng Hải - cho biết chiến lược của Pinduoduo đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì thị trường mua sắm trực tuyến tại Bắc Mỹ lớn hơn nhiều, cả về khả năng sinh lời và hội nhập về ngôn ngữ, tiền tệ, thanh toán và hệ thống cơ sở hạ tầng so với Đông Nam Á.
“Dù mua sắm trên máy tính vẫn đóng góp gần 60% lưu lượng mua sắm trực tuyến ở Mỹ, thiết bị di động ngày càng thu hút khi giới trẻ khi họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội và các ứng dụng video ngắn như TikTok. Những người mới tham gia thị trường có thể tận dụng sự thay đổi trong xu hướng truy cập để xây dựng chiến lược”, Chen nhận định.
Tuy nhiên, việc thu hút khách hàng mới có thể sẽ tốn cả thời gian và tiền bạc.
Ví dụ, Shein đã mở các cửa hàng pop-up tại các thành phố lớn trên thế giới vào năm ngoái bao gồm London, Tokyo, Sydney, New York và Madrid để mở rộng quá trình nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng.
Trong khi đó, Temu sẽ phải giành lấy người dùng ở các thị trường mới mà không có sự trợ giúp của WeChat. Kể từ khi xuất hiện, Temu đã gặt hái một số thành công như trở thành ứng dụng miễn phí hàng đầu cho cả người dùng iPhone và Android tại Mỹ kể từ tháng 2/2022.
Dẫu vậy, nền tảng cũng đã phải quảng cáo rất rầm rộ tại quốc gia này. Trong quý III/2022, chi phí bán hàng và tiếp thị của Pinduoduo đã tăng 40% lên 1,98 tỷ USD, chủ yếu là do tăng chi tiêu vào các hoạt động khuyến mãi và quảng cáo.
“Temu phải đối mặt với một môi trường pháp lý đầy thách thức hơn so với Pinduoduo, không chỉ do mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn bởi các vấn đề về ESG, gian lận và quyền riêng tư bảo mật dữ liệu. Tất cả những điều này có thể khiến Temu khó tận dụng những lợi thế hiệu quả mà Pinduoduo làm được”, vị này cho biết.