Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure mới đây tiếp tục gọi tên Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023. Cụ thể, trang này nhận định: "Nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào sở hữu những món ăn tươi ngon có hương vị đậm đà thì chắc chắn là ẩm thực Việt Nam. Đất nước này được biết đến với cảnh quan tuyệt đẹp và kho tàng ẩm thực phong phú. Bất kỳ nơi nào bạn đến đều sẽ bắt gặp những món ngon địa phương ngay trên vỉa hè, khiến bạn say mê, đắm chìm trong những trải nghiệm mới thú vị".
Ẩm thực đường phố rất thú vị
Travel + Leisure gợi ý du khách nên ghé thăm những điểm đến như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM... để vừa du lịch, trải nghiệm, vừa khám phá trọn vẹn ẩm thực Việt Nam qua các vùng miền. Ngoài ra, Tạp chí Travel + Leisure cũng liệt kê những điểm đến châu Á tuyệt vời cho du khách năm 2023 như: Singapore -Thành phố tốt nhất, Indonesia - Điểm đến có bãi biển đẹp nhất, Đảo Saadiyat, Abu Dhabi - Điểm đến đám cưới tốt nhất, Bangkok - Điểm đến mua sắm tốt nhất, Maldives- Điểm đến lãng mạn nhất.
Trước đó, ẩm thực Việt Nam đã nhiều lần được ngợi ca trên thị trường quốc tế. Trong số 3 từ ngữ phổ thông của Việt Nam được đưa vào từ điển Oxford tiếng Anh uy tín thế giới có 2 từ là món ăn: “phở” và “bánh mỳ”. Nhiều nguyên thủ các nước khi đến Việt Nam đã lựa chọn nếm thử ẩm thực địa phương để khám phá và làm điểm nhấn cho chuyến đi, từ bún chả đến bia hơi hay cà phê sữa.
Rất nhiều món ăn đường phố, ở mọi vùng miền của Việt Nam trở nên nổi tiếng và được bạn bè quốc tế yêu thích như các loại bún phở, bánh mì, bánh cuốn, cà phê trứng... Đầu năm nay, TasteAtlas, bản đồ ẩm thực thế giới, cũng công bố top 95 nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Người dùng chấm điểm ẩm thực Việt Nam đạt 4,31 trên thang 5 điểm, xếp hạng 20. Một số nền ẩm thực Á châu khác cũng góp mặt trong top 20 là Trung Quốc ở vị trí thứ 11, Indonesia đứng thứ 16, Hàn Quốc thứ 19. Ẩm thực Thái Lan chỉ được xếp hạng thứ 30/95 với 4,16 điểm.
"Mỗi năm, giải thưởng TasteAtlas là niềm vui cho một số người nhưng cũng là nguyên nhân của sự tức giận và oán giận của những người khác". Giải thích về phương pháp bình chọn TasteAtlas cho biết: "Du khách đánh giá các món ăn, đồ uống và nguyên liệu. Chúng tôi không đánh giá bất cứ điều gì. Mỗi nền ẩm thực có từ 10 đến 50 món ăn được đánh giá cao nhất, tùy thuộc vào quy mô của nền ẩm thực hoặc số lượng món ăn được đánh giá trên TasteAtlas".
Ẩm thực Việt Nam cũng xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài. Năm qua, CNN chọn phở vào top món ăn có nước ngon nhất thế giới, bánh bột lọc là món ăn nên thử khi đến Việt Nam và bánh mì trong top món bánh kẹp hấp dẫn nhất hành tinh, và bánh cam vào top 30 món bánh rán ngon nhất. Hãng tin Hong Kong SCMP giới thiệu đặc sản chả rươi, cao lầu, bún cá chấm và bún quậy là đặc sản phải thử ở Việt Nam. Tạp chí du lịch Traveller của Australia đã đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là một trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023...
Nỗ lực của Việt Nam
Tháng 6 vừa qua, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt Nam, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TP.HCM. Đánh giá về giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Việc Michelin Guide gắn sao cho 4 nhà hàng đã tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn nước ta làm điểm đến.
“Michelin Guide gắn sao và Tripadvisor bình chọn ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng là điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023 cho thấy ẩm thực Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Đây chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách quốc tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới World Food Tourism Association (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25 - 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch. Tuy nhiên để khai thác được “mỏ vàng” này đòi hỏi ngành du lịch xây dựng một "bản đồ ẩm thực" để thu hút du khách tham gia tour.
Tại Lễ ký kết thỏa thuận về hợp tác chiến lược “Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt” nhằm phát triển du lịch Việt Nam thông qua câu chuyện biến tấu nguyên liệu địa phương mới diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã chứng minh được sức hấp dẫn và lan tỏa trên toàn cầu, được đông đảo du khách và bạn bè quốc tế yêu mến, tôn vinh thông qua nhiều giải thưởng, danh hiệu uy tín.
Ở góc độ doanh nghiệp là những nhà hàng, quán ăn trong danh sách Michelin Guide, được gắn sao Michelin, cần giữ gìn bản sắc cũ và tạo thêm những giá trị mới để thu hút khách nhiều hơn. Muốn vậy, cần sự đồng hành từ các hiệp hội, cơ quan quản lý trong quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ nguồn nhân lực… để cùng góp phần quảng bá đưa ẩm thực ra thế giới.
Với doanh nghiệp lữ hành, trong rất nhiều chương trình, sản phẩm du lịch được giới thiệu tới khách du lịch trong nước và quốc tế đều có hoạt động thưởng thức, khám phá ẩm thực địa phương hoặc tổ chức các lớp học nấu ăn trong lịch trình tour cho du khách; các chương trình trải nghiệm vào vườn trái cây, thưởng thức tại chỗ hoặc khách tự chế biến món ăn…
Bàn giải pháp phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân cho rằng, các địa phương cần quy hoạch những khu phố ẩm thực với khung thời gian muộn hơn và tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp tới du khách.
Còn Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang trước đó đã từng thông tin, sở sẽ làm việc với các địa phương để đánh giá, rà soát những cơ sở ăn uống đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm dịch vụ, từ đó sẽ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở để thuận tiện hơn trong việc quảng bá, thu hút du khách.