Đơn khiếu nại của FTC được đệ trình lên tòa án liên bang ở Seattle, cho rằng Amazon đã sử dụng chiêu trò để khiến hàng triệu người tiêu dùng đăng ký Amazon Prime mà không có sự đồng ý, theo Wall Street Journal.
Amazon Prime có giá 139 USD/năm, sở hữu hơn 200 triệu thành viên trên toàn thế giới và giúp Amazon trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen mua sắm của nhiều hộ gia đình Mỹ.
"Amazon đã lừa và bẫy người dùng đăng ký định kỳ mà không có sự đồng ý. Điều này không chỉ khiến người dùng bực bội mà còn khiến họ mất một khoản tiền đáng kể", Chủ tịch FTC Lina Khan nói.
Đơn khiếu nại là kết quả của cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 3/2021. FTC cáo buộc Amazon đã sử dụng “giao diện người dùng để thao túng, ép buộc hoặc lừa đảo - được gọi là thiết kế đen (dark pattern)” nhằm lừa người dùng tự động gia hạn dịch vụ Prime.
“Ban lãnh đạo Amazon đã làm chậm hoặc từ chối những thay đổi có thể giúp người dùng hủy Prime dễ dàng hơn, vì những thay đổi đó ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của Amazon”, FTC nói thêm.
Trong nhiều năm, Amazon đã giúp khách hàng dễ dàng đăng ký Prime với một hoặc hai cú nhấp chuột, nhưng đã tạo ra một “quy trình hủy bỏ 4 trang, 6 lần nhấp, 15 tùy chọn”. FTC cho biết thủ tục “mê cung” được thiết kế để khiến khách hàng gặp khó khi hủy Prime.
Đơn khiếu nại còn cho hay Amazon đã cải tiến quy trình hủy Prime đối với một số thuê bao vào tháng 4, ngay trước khi FTC đệ đơn kiện.
Một phát ngôn viên của Amazon đã bác bỏ các cáo buộc của FTC là “sai về sự thật và pháp lý”.
Amazon vào tháng 8/2022 đã phàn nàn về những cuộc điều tra của FTC nhắm vào công ty này và cáo buộc FTC đưa ra những yêu cầu quá mức và vô lý đối với nhà sáng lập Jeff Bezos và Giám đốc điều hành Andy Jassy.
FTC trước đây từng điều tra các công ty cố tình lôi kéo người dùng đăng ký với các đề nghị gây hiểu lầm và sau đó tạo ra trở ngại hủy thanh toán.
Vonage năm ngoái đã phải trả 100 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của FTC rằng công ty áp đặt rào cản ngăn khách hàng hủy dịch vụ gọi điện qua internet.