SSI Research vừa có báo cáo nhanh cập nhật ngành đường với điểm nhấn Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nguyên nhân chính là để đảm bảo nhu cầu nội địa của Ấn Độ và lo ngại sản lượng yếu (El Nino gây thiếu mưa).
Giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4/2023, một phần do sản lượng của Ấn Độ giảm (giảm 5% so với cùng kỳ) và xuất khẩu giảm (giảm 46% so với cùng kỳ). Việc này có khả năng tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023/2024.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét kiến nghị nhập 600.000 tấn đường gấp đôi so với năm ngoái. Trong năm 2021 và 2022, các công ty trúng thầu trong hạn mức là QNS, SBT và VNM. Phần lớn đường nhập khẩu là đường thô, được sử dụng để sản xuất đường RE.
Trên cơ sở đó, SSI Research kỳ vọng các công ty có công suất luyện đường RE lớn như SBT và QNS được hưởng lợi.
Trong báo cáo cập nhật trước đó, SSI dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Trong khu vực ASEAN, sản lượng đường sản xuất của Thái Lan ở mức cao có thể làm tăng thêm áp lực đường nhập lậu lên nguồn cung đường Việt Nam trong giai đoạn 2023/2024. Sản lượng đường của Thái Lan đạt 11 triệu tấn (+8,3% so với cùng kỳ) do điều kiện thời tiết thuận lợi và tỷ lệ chuyển đổi mía thành đường cao hơn trong niên độ 2022/2023, theo USDA. Trong niên độ 2023/2024, sản lượng đường dự kiến sẽ tăng lên 11,2 triệu tấn (+1,5%), đây là mức cao khi so với niên vụ 2017-2020 do hạn hán. Do đó, USDA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn (+57%) trong niên độ 2022/2023 và 12 triệu tấn (+9%) trong niên độ 2023/2024.
Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với mặt hàng đường nguyên liệu xuất xứ Thái Lan, với tổng thuế suất là 47,64%. Sau khi triển khai, tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam giảm từ 1,7 triệu tấn (+9% so với cùng kỳ) trong năm 2021 xuống còn 1,2 triệu tấn trong năm 2022 (-29% so với cùng kỳ). Giá đường tăng 8,7% so với tháng trước sau khi thực hiện. Theo VSSA, việc kiểm soát đường nhập lậu đã được cải thiện kể từ Q2/2023 nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với “sản phẩm nước giải khát có đường, theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)”.
Cụ thể, đồ uống có đường bao gồm nước uống có ga, nước tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước uống chứa trà, nước uống chứa cà phê và nước uống trái cây. Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đề xuất dự luật này. Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã đề xuất việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường nhưng không được thông qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp thuế sẽ dẫn đến mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt Nam giảm 860-900 triệu lít.
Dựa trên tính toán của SSI Research, mức giảm này tương ứng với việc giảm 1%-3% lượng đường tiêu thụ trong nước. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước.