Theo Bloomberg, Ấn Độ đang tìm cách siết chặt xuất khẩu dầu và nhập khẩu vàng nhằm đối phó với mức thâm hụt cán cân vãng lai kỷ lục. Cùng với đó, hôm 1/7, đồng rupee đã lao dốc xuống ngưỡng thấp chưa từng có.
Nhằm thu hẹp chênh lệch cán cân vãng lai đang tăng nhanh, New Delhi đã tăng thuế đối với xuất khẩu xăng, dầu diesel và nâng thuế nhập khẩu vàng.
Đồng rupee liên tục tạo đáy mới, gây khó cho chính quyền Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc chiến chống lạm phát khi tình hình tài chính toàn cầu xấu đi.
Đồng tiền mất giá
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ chật vật ngăn đà giảm của đồng tiền nước này. Đồng rupee lao dốc sẽ làm gia tăng áp lực giá, buộc Ấn Độ phải mạnh tay nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Giới quan sát cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
"Các biện pháp nhằm giảm áp lực đối với tài khoản vãng lai và đồng tiền nước này", bà Madhavi Arora - nhà kinh tế trưởng tại Emkay Global Financial Services - bình luận.
"Các chính sách tài khóa và tiền tệ vừa được đưa ra phơi bày những thách thức liên quan đến thâm hụt cán cân thanh toán của Ấn Độ", bà nói thêm.
Các chính sách tài khóa và tiền tệ vừa được đưa ra phơi bày những thách thức liên quan đến thâm hụt cán cân thanh toán của Ấn Độ, bà Madhavi Arora, nhà kinh tế trưởng tại Emkay Global Financial Services.
Giới chức ở nhiều thị trường mới nổi đều đang rơi vào thế khó. Họ đối mặt với lạm phát tăng vọt và tình trạng tháo chạy vốn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách.
Kể từ đầu năm đến nay, FED đã nâng lãi suất 1,5 điểm phần trăm để đối phó với mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Riêng trong tháng 6, cơ quan này tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1994, và dự kiến tiếp tục nâng cao hơn nữa trong những tháng tới.
Giờ, các thị trường mới nổi sẽ phải cân nhắc giữa nâng lãi suất - đồng nghĩa với nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, dùng tài sản dữ trữ - vốn mất nhiều năm để tích trữ - nhằm giữ giá đồng tiền, hoặc đơn giản là không đưa ra động thái nào.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đang tìm cách chặn đà giảm 6% của đồng rupee trong năm nay. Trong khi đó, các nhà băng nước này đã ghi nhận tình trạng thiếu hụt đồng USD khi giới đầu tư và doanh nghiệp đổ xô đổi đồng rupee sang những loại tài sản khác, hoặc thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết các biện pháp mới nhất được đưa ra sau khi nhập khẩu vàng của Ấn Độ tăng đột ngột trong tháng 5 và tháng 6.
Siết chặt nhập khẩu vàng, xuất khẩu dầu
Theo thông báo được đưa ra hôm 30/6, chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên 12,5%. Trong khi đó, mức thuế cao hơn đối với xuất khẩu xăng và dầu diesel khiến cổ phiếu của Reliance Industries Ltd. - gã khổng lồ năng lượng Ấn Độ - giảm tới 8,7%.
Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Tại Mumbai, giá vàng giao sau trong nước đã ghi nhận mức tăng 4% chỉ trong một phiên giao dịch do chi phí nhập khẩu tăng cao.
"Các thách thức đến từ cùng một vấn đề. Đó là giá hàng hóa tăng cao", ông Rahul Bajoria - nhà kinh tế cấp cao tại Barclays Bank Plc - bình luận.
"Ấn Độ không có nguồn cung trong nước và sẽ không thể cắt giảm chi tiêu. Rất khó để dự đoán tình hình", ông nói thêm.
Giới quan sát cho rằng Ấn Độ cũng có thể nhập khẩu vàng giá rẻ từ Nga sau thông tin các nền kinh tế lớn cấm vận loại hàng hóa này. Hôm 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về lệnh cấm vận vàng Nga. "Cùng nhau, G7 sẽ thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga - mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ USD cho Moscow", ông Biden tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter hôm 26/6.
Ông Megh Mody - chuyên gia nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher (có trụ sở tại Mumbai) - cho rằng đây thậm chí là cơ hội để Ấn Độ mua vàng Nga với giá rẻ hơn.
"Đây sẽ là cơ hội để xem liệu vàng có thể được mua bán bằng đồng RUB như dầu thô không", ông bình luận. "Nếu điều này xảy ra, Ấn Độ có khả năng mua vàng Nga với giá rẻ", ông Iyer nói thêm.
Việc Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu nhiên liệu có thể khiến thị trường toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa. Nguồn cung trên thế giới vốn đã trở nên khan hiếm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, những gián đoạn do đại dịch và nhu cầu tăng cao.
Reliance và các nhà máy lọc dầu khác của Ấn Độ là những nhà cung cấp dầu diesel lớn trên thị trường toàn cầu.