Tại chân đồi dãy Himalaya, thành phố Dehradun, Ấn Độ đang nghiên cứu một loại nhiên liệu hàng không ‘xanh’, với hy vọng có thể loại bỏ phần lớn khói bụi đang bao phủ các thành phố lớn. Đặc biệt, chúng lại được sản xuất từ những cây dầu mè không tiêu thụ đến, theo Bloomberg.
Dự án được thực hiện bởi Viện Dầu mỏ Ấn Độ IIP, một phòng thí nghiệm thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp, như một phần của nỗ lực thay đổi ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học toàn cầu trị giá 155 tỷ USD. Lĩnh vực này từ lâu vẫn bị chỉ trích, rằng các nguyên liệu thay thế chẳng hạn như ethanol có thể kích hoạt phát thải gián tiếp thông qua việc mở rộng đất canh tác và đẩy giá lương thực lên cao đối với những người nghèo nhất thế giới.
Theo Bloomberg, Viện đã liên kết với hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ IndiGo để triển khai kế hoạch sản xuất nhiên liệu trong nước, song quá trình này đang phải đối mặt với một loạt thách thức. Nhiên liệu mới không chỉ đắt hơn mà còn đòi hỏi một quy trình thu hoạch nguyên liệu thô khó khăn, từ đó gián tiếp cản trở nỗ lực sản xuất quy mô lớn đủ để giúp Ấn Độ thương mại hóa.
Theo Salil Gupte, Chủ tịch Boeing, công ty cũng tham gia vào dự án này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển và lưu trữ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) sẽ cần những khoản đầu tư “đáng kể”.
“Tại thời điểm này, điều đầu tiên cần làm là chứng minh được chúng tôi có thể sản xuất nhiên liệu tại địa phương. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang thực hiện với IIP,” Gupte nói. “Cơ sở hạ tầng để tạo ra sự sẵn có của nhiên liệu máy bay truyền thống đã kéo dài hàng thập kỷ, vì vậy, chúng tôi sẽ phải sửa đổi hoặc xây dựng một hệ thống cho nhiên liệu hàng không bền vững”.
Để làm được điều này, người dân Ấn Độ sẽ phải tìm kiếm trong các khu rừng ở Chhattisgarh và Karnataka, thu thập hạt cây dầu mè và cây pongamia, sau đó đem chúng đi nghiền nát trong các nhà máy nhỏ để chiết xuất dầu. Thành phẩm cuối cùng sẽ được vận chuyển hàng trăm dặm bằng xe tải đến viện nghiên cứu ở Dehradun để chuyển đổi thành nhiên liệu hàng không bền vững.
Ấn Độ đang nghiên cứu một loại nhiên liệu hàng không ‘xanh’ từ cây dầu mè
Hiện các nhà khoa học Dehradun đang tìm kiếm sự chấp thuận từ ASTM International, tổ chức có trụ sở tại Pennsylvania chuyên phát triển và công bố tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ trên toàn cầu. Boeing cho biết họ hiện đang xem xét và hỗ trợ quy trình chứng nhận các mẫu nhiên liệu hàng không từ Dehradun.
Trong khi đó, Airbus SE nghiên cứu nhu cầu và những thách thức đối với loại nhiên liệu xanh cùng nhà điều hành sân bay Groupe ADP có trụ sở tại Paris. Kế hoạch sản xuất nhiên liệu tại địa phương đang được thiết lập.
Theo Anil Sinha, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện, lợi thế của loại nhiên liệu bền vững so với một số nhiên liệu thay thế khác đang được sử dụng ở Mỹ là nó không cần pha trộn và có thể sử dụng luôn.
“Ở Mỹ, chúng tôi vẫn đang cân nhắc việc nên hay không chọn cây lương thực để sản xuất nhiên liệu xanh. Vì lý do đó, tôi nghĩ Ấn Độ và châu Âu đang đi trước Mỹ. Chiến lược của Ấn Độ khó thực hiện hơn và tốn kém hơn”, Nikita Pavlenko, trưởng nhóm nhiên liệu tại Hội đồng Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết.
Theo Bloomberg, để thương mại hóa nhiên liệu địa phương, Viện đã trao công nghệ của mình cho Công ty Lọc hóa dầu Mangalore thuộc sở hữu của chính phủ. Công ty này hiện đang lên kế hoạch phát triển một nhà máy có công suất 20.000 lít nhiên liệu/ngày vào năm 2024. Được biết bốn năm sau khi SpiceJet - chuyến bay sử dụng nhiên liệu sinh học đầu tiên của Ấn Độ cất cánh, việc áp dụng nhiên liệu bền vững vẫn chưa được triển khai tại quốc gia tỷ dân.
Nguyên nhân một phần đến từ việc Ấn Độ không có chuỗi cung ứng cần thiết để thu thập nguyên liệu thô từ những khu vực xa xôi. Theo Anjan Ray, Giám đốc Viện, ước tính nước này có tiềm năng thu gom 3,5 triệu tấn hạt cho dầu, song thực tế chỉ chưa đến 500.000 tấn/năm.
Bốn năm sau khi SpiceJet - chuyến bay sử dụng nhiên liệu sinh học đầu tiên của Ấn Độ cất cánh, việc áp dụng nhiên liệu bền vững vẫn chưa được triển khai tại quốc gia tỷ dân.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết đưa Ấn Độ - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới - trở thành khu vực có mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2070. Tuy nhiên, cam kết này đang gặp một vài khó khăn.
Theo ước tính của Bloomberg NEF, đến năm 2040, chỉ 59,4% doanh số bán ô tô mới ở Ấn Độ là xe điện, thấp hơn so với tỷ lệ 84,6% ở Trung Quốc và 78,7% ở Mỹ. Ấn Độ cũng có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 175 gigawatt vào cuối năm 2022, trong bối cảnh các nhà bán lẻ điện đang vật lộn với khó khăn tài chính.
Nhiên liệu sinh học địa phương phần lớn phụ thuộc vào sự thúc đẩy của chính phủ. IndiGo, công ty vốn cam kết pha trộn 10% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030, cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ nên cung cấp các ưu đãi về thuế và trợ cấp để khuyến khích người dân sử dụng loại nhiên liệu mới mẻ này. Ấn Độ cũng cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi và sân bay để thực hiện mục tiêu lớn.
Theo Ramya Natarajan, trưởng nhóm giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Chính sách, ngoài hạt mè, Ấn Độ có thể khai thác dầu ăn đã qua sử dụng hoặc chất thải sinh khối để hướng tới một “lộ trình bền vững” hơn.
Được biết nhiên liệu hàng không bền vững hiện chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu phục vụ cho máy bay phản lực. Theo Bloomberg NEF, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4% vào năm 2030 và gần 6% vào năm 2050. Ngay cả khi tỷ lệ này tăng lên, mục tiêu thay thế 100% nhiên liệu máy bay bằng SAF vào năm 2050 là “quá tham vọng”, theo Bloomberg Intelligence.
Xét trên phương diện tích cực, SAF vẫn đang đi trước một bước so với các sáng kiến xanh thay thế. Chẳng hạn như máy bay điện hoặc taxi bay cho đến nay vẫn chỉ có thể đi được quãng đường rất ngắn. Trong khi đó, các dự án máy bay chạy bằng năng lượng hydro vẫn chỉ là lý thuyết nằm trên giấy.
Theo Cuneyt Kazokoglu, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở tại London, có một vài công nghệ giúp nhiều hãng hàng không trung hòa khí thải cacbon, song cho đến nay chúng vẫn chưa được phát minh và nghiên cứu.