Sau một tháng tập luyện và ăn chủ yếu đồ luộc, hấp, Thu Anh giảm được 4 kg. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cô trở nên sợ giờ ăn. Bữa trưa cùng đồng nghiệp cũng trở thành nỗi ám ảnh.
Thu Anh là một trong nhiều người, sau một thời gian chạy theo những đĩa thức ăn luộc, hấp để cố gắng giảm cân, nói rằng họ không cảm thấy cơ thể "healthy" dù giảm được cân như mong muốn. Cảm giác mệt mỏi khiến họ khó làm việc và tập luyện.
Rau, củ luộc thay thế cho các món xào; thịt gà, lợn, cá được được chế biến chủ yếu bằng cách luộc hoặc hấp… Đây đều là những phương pháp rất quen thuộc trong chế độ ăn thực tế, của những người ăn kiêng, đặt mục tiêu giảm cân, giảm mỡ.
Hình ảnh những đĩa thực phẩm hấp, luộc đã trở thành một dạng chấp niệm của hầu hết người dân về một chế độ ăn lành mạnh, “healthy”, khoa học và ít gây hại cho sức khỏe dù họ có thể không thực sự cảm thấy ngon.
Ám ảnh với giờ ăn vì quá “healthy”
Quyết tâm ăn kiêng và lần đầu chạm tay vào thanh tạ sau khi mức cân nặng vượt ngưỡng 55 kg, Nguyễn Thu Anh (24 tuổi, nhân viên bán hàng, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) khởi đầu hành trình của mình với quyết tâm lớn.
“Thời gian vừa qua do công việc, các mối quan hệ, tôi đã mất kiểm soát trong việc ăn uống của mình. Mục tiêu của tôi là cố để giảm về khoảng 48-49 kg. Tôi tin là chỉ cần cố gắng và kiên trì là sẽ được thôi”, Thu Anh chia sẻ với Zing.
Thực tế, sau một tháng duy trì 4 buổi tập tạ/tuần, một ngày đạp xe quanh hồ Tây kết hợp ăn kiêng kỷ luật, Thu Anh đã giảm được tới 4,2 kg. Tuy nhiên, vấn đề cô không ngờ tới lại xuất hiện.
Sau khi tham khảo gợi ý từ bạn bè, Thu Anh bắt đầu “chiến dịch giảm cân” của mình bằng việc thay đổi toàn bộ thực đơn hàng ngày bằng các món luộc, hấp, hạn chế tới mức thấp nhất các thực phẩm chứa chất béo.
“Đa phần các bữa ăn của tôi là rau muống, rau cải, củ cải trắng, bí xanh, bí ngòi, mướp nhật đều được luộc. Với nguồn đạm, tôi cố gắng chọn thịt gà với phần thịt ức, đùi bỏ da hay cá rô phi để hạn chế chất béo. Cách nấu cũng đa phần là luộc hoặc hấp. Nếu không, tôi thường nướng bằng nồi chiên không dầu”, Thu Anh kể lại.
Với cách ăn này, dù thành công, Thu Anh bắt đầu cho thấy dấu hiệu mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc. Đáng nói hơn, cô gái trẻ dần xuất hiện tình trạng chán ăn.
“Tôi thậm chí có cảm giác sợ mỗi khi đến giờ ăn. Buổi trưa, các đồng nghiệp của tôi thường rủ đi ăn cùng, cảm giác ám ảnh lại càng xuất hiện khi tôi buộc phải từ chối”, Thu Anh chia sẻ.
Sau một tháng, dù giảm cân thành công, Thu Anh cho biết bản thân cảm thấy không vui, thậm chí khó chịu với chính cơ thể mình. Sau cùng, cô quyết định từ bỏ.
“Sau khi quyết định dừng ăn kiêng, cân nặng của tôi cũng tăng trở lại. Nhưng lần này, tôi sẽ cố gắng tìm cách khác để duy trì”, cô nói.
Tương tự Thu Anh, Đặng Nhật Khởi (24 tuổi, huấn luyện viên, ngụ Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng từng nói không với các món ăn chiên rán ở thời điểm mới làm quen với việc tập luyện. Tuy nhiên, nam thanh niên này cũng nhanh chóng dừng lại chỉ sau 2 tuần.
Theo Khởi, việc lặp lại các món ăn như rau luộc, ức gà luộc, trứng luộc khiến nam thanh niên cảm thấy chán ăn và mệt mỏi, khó có thể đảm bảo cường độ tập luyện đủ lớn.
Mặt khác, sau khi học và tìm hiểu các kiến thức liên quan dinh dưỡng, Khởi nhận thấy việc ăn như vậy không mang lại lợi ích như anh vẫn nghĩ trước đó.
“Thời điểm đó, thực tế là tôi có giảm cân nhưng khi đo các chỉ số trên máy, bên cạnh mỡ, khối lượng cơ bắp của tôi cũng giảm. Đây cũng là yếu tố khiến tôi nhận ra và quyết định dừng lại”, Khởi nói.
Không thể và không nên cắt bỏ chất béo
Theo thạc sĩ Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn hàng ngày.
“Chất béo tốt rất quan trọng với sức khỏe và hoạt động bình thường của cơ thể. Chúng là nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng (khoảng 9 calo/1 g lipid, cao gấp hơn 2 lần so với protein (chất đạm) và glucid (tinh bột))”, vị chuyên gia nói.
Chất béo cũng cấu tạo nên các thành phần của cơ thể, cung cấp các acid béo cần thiết. Chúng là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E và K).
Một số chất béo (như omega-3 và omega-6) thậm chí rất cần thiết vì cơ thể không thể sản xuất chúng. Do đó, con người cần được thu nhận thông qua chế độ ăn uống.
Thạc sĩ Phương nhấn mạnh việc tiêu thụ quá ít chất béo từ bữa ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là não bộ và thần kinh ở trẻ em.
“Hậu quả là trẻ chậm tăng trưởng và thiếu dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng”, bà nói.
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều lipid lại có thể dẫn đến thừa cân, béo phì. Chất béo cũng liên quan đến các bệnh mạn tính không lây và hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Thạc sĩ Phương khẳng định chất béo không phải nguyên nhân duy nhất làm chúng ta béo.
“Tăng cân không liên quan đến một chất dinh dưỡng duy nhất. Tình trạng này dựa trên tổng năng lượng ăn vào hàng ngày cùng sự cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng sử dụng”, vị chuyên gia giải thích.
Ăn nhiều calo hơn cơ thể cần dẫn đến lượng calo dư thừa được lưu trữ dưới dạng mỡ. Tuy nhiên, thực tế là chất béo chứa nhiều năng lượng (9 calo/g). Do đó, thực phẩm chứa nhiều chất béo cũng cung cấp năng lượng tương đối nhiều hơn so với các món chứa ít chất này.
Đồng quan điểm, huấn luyện viên Nguyễn Thế Anh (Hà Nội) khẳng định dù chất béo chứa nhiều calo nhất trong 3 nguyên tố đa lượng chính bên cạnh tinh bột và đạm (9 so với 4 calo/g), chất này đóng vai trò rất quan trọng khi giúp chúng ta duy trì các chức năng cơ thể.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, chất béo còn góp phần tạo nên sự hấp dẫn ở vẻ bề ngoài cho chúng ta, nhất là phụ nữ.
HLV Thế Anh nhận định: “"Chất béo là yếu tố then chốt giúp các bạn nữ duy trì vẻ đẹp từ trong ra ngoài".
Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng và tích trữ chất béo của phụ nữ luôn nhiều hơn nam giới, trong điều kiện cùng chiều cao, cân nặng. Nó ảnh hưởng trực tiếp hệ nội tiết và sức khỏe tim mạch của chúng ta.
Theo một nghiên cứu tại Australia năm 1987, chế độ ăn giàu chất béo giúp cơ thể sản sinh nhiều hormone sinh dục nữ (estrogen) và nam (testosterone). Việc ăn quá ít chất béo khiến phụ nữ giảm tiết estrogen, gây rối loạn nội tiết và gián tiếp ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Đặc biệt, Thế Anh cho hay: "Cơ thể phụ nữ có khả năng đốt mỡ nhiều hơn tinh bột và đạm khi tập luyện cùng cường độ với nam giới. Nói đơn giản, phụ nữ có xu hướng sử dụng chất béo làm năng lượng nhiều hơn 2 chất còn lại".
Ngay cả khi ăn nhiều tinh bột, khả năng dự trữ đường trong cơ thể phụ nữ cũng khá thấp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đạm của nữ giới cũng thấp hơn 10% so với đàn ông. Do đó, chất béo là nguồn năng lượng chính của cơ thể phụ nữ.
Theo huấn luyện viên này, nhiều nghiên cứu từng chỉ ra tỷ lệ mỡ dưới 18% hoặc nhiều hơn 50% gây ức chế và khó khăn trong quá trình rụng trứng định kỳ hàng tháng của phụ nữ.
Về ngoại hình, mô ngực của phụ nữ được cấu tạo phần lớn bởi mô mỡ. Do đó, việc bổ sung chất béo giúp phái nữ duy trì kích thước vòng một, nếu họ muốn.
"Một tác dụng nhiều phụ nữ không nghĩ tới khi kiêng dầu, mỡ là chế độ ăn giàu chất béo giúp ta cảm thấy no hơn nam giới với cùng lượng ăn. Tác dụng này giúp phụ nữ tránh ăn vặt những thực phẩm khác có hại tới sức khỏe cũng như vóc dáng", Thế Anh giải thích.