Theo CNBC, đây là đón giáng mạnh vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Microsoft cho biết tập đoàn sẽ kháng cáo quyết định này.
Theo Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA), thương vụ này sẽ làm gia tăng mối lo ngại về tính cạnh tranh trong thị trường trò chơi trên nền tảng đám mây non trẻ.
Theo đó, gã khổng lồ công nghệ có thể chuyển các trò chơi của Activision Blizzard sang độc quyền trên Xbox Game Pass - nền tảng trò chơi đám mây của hãng, ngăn những đối thủ khác phân phối các tựa game này.
Thương vụ 69 tỷ USD
Dịch vụ chơi game trên đám mây cho phép các game thủ truy cập trò chơi thông qua máy chủ từ xa của công ty. Trò chơi được phát trực tuyến giống như cách Netflix làm với những bộ phim của mình.
Công nghệ trên vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Nhưng Microsoft đã đặt cược lớn vào dịch vụ này.
Công ty đã quyết định chi 68,7 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard - công ty đứng sau nhiều tựa game nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Candy Crush.
Sau khi hoàn tất sở hữu Activision, công ty phần mềm lớn nhất thế giới sẽ trở thành công ty game lớn thứ ba về doanh thu, chỉ sau Tencent và Sony.
Activision Blizzard hiện là một trong những hãng game lớn nhất hiện nay với hơn 10.000 nhân viên khắp thế giới, thu hút 400 triệu người dùng hàng tháng tại 190 quốc gia.
Theo ông Phil Spencer, Giám đốc điều hành Microsoft Gaming, hãng sẽ đưa tối đa trò chơi của Activision Blizzard vào Xbox Game Pass - dịch vụ đăng ký trò chơi điện tử của Microsoft.
Còn theo ông Bobby Kotick - CEO Activision Blizzard, thỏa thuận hợp tác với Microsoft sẽ giúp công ty duy trì thành công trong lĩnh vực game vốn đang ngày càng cạnh tranh.
Đe dọa cạnh tranh
Một số đối thủ cạnh tranh của Microsoft đã phản đối thương vụ. Họ lo ngại rằng gã khổng lồ công nghệ có thể nắm quyền chi phối thị trường game trị giá 200 tỷ USD.
Điều đáng nói, Microsoft hoàn toàn có thể hạn chế quyền truy cập vào nhượng quyền trò chơi nổi tiếng Call of Duty của Activision ở một số nền tảng nhất định.
Sony cũng bày tỏ sự lo ngại về thương vụ. Gã khổng lồ game Nhật Bản sợ rằng Microsoft sẽ chuyển Call of Duty thành độc quyền trên Xbox về lâu dài.
Microsoft đã tìm cách xoa dịu những lo ngại này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cung cấp các thỏa thuận 10 năm cho Sony, Nintendo, Nvidia và những tập đoàn khác. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục đưa Call of Duty lên các nền tảng trò chơi của mình.
Dù vậy, CMA vẫn lo ngại rằng thương vụ giữa Microsoft và Activision sẽ cản trở cạnh tranh trên thị trường. Và ngay cả khi nhận được cái gật đầu của cơ quan quản lý Anh, Microsoft vẫn cần thuyết phục những cơ quan quản lý khác.
Liên minh châu Âu vẫn đang điều tra xem liệu thỏa thuận này có gây tổn hại tới tính cạnh tranh hay không. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã khởi kiện nhằm ngăn chặn kế hoạch thâu tóm Activision của Microsoft.
Cơ quan Mỹ lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ gây hại cho các đối thủ cạnh tranh và hoạt động kinh doanh trò chơi trên nền tảng đám mây.
FTC lập luận rằng với quyền kiểm soát các tựa game bom tấn, Microsoft có thể "gây hại cho cạnh tranh bằng cách thao túng giá, làm giảm chất lượng hoặc trải nghiệm của người chơi trên máy chơi game, dịch vụ trò chơi của đối thủ, hoặc thay đổi điều khoản và thời gian truy cập vào nội dung của Activision".