Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng dự báo lạm phát trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng này - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters. Triển vọng lạm phát cao hơn sẽ làm khó nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo nguồn tin, trong dự báo cập nhật mỗi quý một lần về tăng trưởng kinh tế và lạm phát đưa ra trong cuộc họp kết thúc vào ngày 31/10, BOJ dự kiến nâng mức lạm phát của kỳ 1 năm kết thúc vào tháng 3/2024 lên mức 3% từ mức dự báo hiện tại là 2,5% đưa ra trong lần cập nhật vào tháng 7. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 sẽ được BOJ nâng từ mức 1,9% hiện nay lên mức 2% hoặc hơn.
Thế "tiến thoái lưỡng nan" của BOJ
Việc nâng dự báo lạm phát có thể làm gia tăng sự chỉ trích nhằm vào BOJ, vì cho tới hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn lập luận rằng họ phải giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo vì chưa đưa đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Ngoài ra, một động thái như vậy cũng làm gia tăng sức ép đòi BOJ phải nâng nới mức trần 1% cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm - giới hạn mới được thiết lập cách đây ba tháng. Tuy nhiên, việc nới phạm vi của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) như vậy là điều mà một số quan chức BOJ đã để ngỏ khả năng trong thời gian gần đây.
“Có lẽ BOJ sẽ nâng dự báo lạm phát, nhưng vẫn muốn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo như hiện nay. Thay vào đó, việc mà họ có thể làm là nâng trần lợi suất trái phiếu và giải thích rằng làm như vậy là để khuôn khổ chính sách tiền tệ được linh hoạt hơn. Nhưng làm như vậy có thể đặt trách nhiệm của BOJ vào thế rủi ro vì lãi suất dài hạn thực tế có thể vượt xa mục tiêu 0%”, nhà kinh tế trưởng Naomi Muguruma của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley nhận định với hãng tin Reuters.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đang tìm cách đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo được khởi xướng bởi người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda từ cách đây cả thập kỷ - chính sách bị cho là nguyên nhân gây ra nhiều bóp méo trên thị trường tài chính.
Tuy nhiên, đây không phải là một việc dễ dàng, vì thay đổi chính sách có thể dẫn tới những biến động mạnh, thậm chí những đứt gãy, trên thị trường tài chính toàn cầu - ngay cả khi nhà đầu tư mới bắt đầu kỳ vọng về một sự thắt chặt chính sách chứ chưa cần sự thắt chặt đó thực sự diễn ra.
Ông Ueda đã tìm cách trấn an thị trường tài chính rằng BOJ sẽ không sớm có sự thay đổi chính sách. Tuy nhiên, lạm phát ở Nhật ngày càng tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật cũng tăng khiến cho BOJ chật vật duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.
“Dù dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng, chỉ riêng việc đó sẽ không dẫn tới một sự dịch chuyển chính sách. Vấn đề quan trọng hơn có thể dẫn tới thay đổi chính sách là liệu vòng xoáy tăng lương-tăng lạm phát có trở nên bám rễ sâu ở Nhật Bản hay không”, một nguồn tin nói với Reuters.
Tiền lương ở Nhật sẽ tăng mạnh trong năm 2024?
Nhiều quan chức BOJ lo ngại việc cắt giảm chính sách kích cầu quá sớm, nhất là trong trường hợp lạm phát tăng chủ yếu do những yếu tố nhất thời như giá xăng dầu tăng - theo nguồn tin. Thay vào đó, các vị quan chức này muốn đợi cho tới khi họ biết chắc rằng nền kinh tế Nhật Bản có thể vượt qua được những trở ngại từ sự giảm tốc của nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu, qua đó cho phép các doanh nghiệp có thể duy trì việc tăng lương trong năm tới và tiếp sau đó.
Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản đang có những tín hiệu trái chiều. Tổ chức công đoàn lớn nhất của nước này Rengo đang có kế hoạch đòi tăng lương hơn 5%, một chỉ báo cho thấy khả năng tiền lương tăng mạnh trong năm tới.
Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế toàn cầu, như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông, có thể ảnh hưởng tới niềm tin doanh nghiệp và khiến họ trì hoãn việc tăng lương - giới phân tích nhận định.
Các yếu tố thị trường có thể sẽ không để cho BOJ duy trì chính sách lỏng lẻo lâu thêm nữa. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện đang ở gần ngưỡng 0,87%, cao nhất trong nhiều năm, tiến sát mức trần 1% mà BOJ đưa ra.
“Kiểm soát đường cong lợi suất đã trở thành một chính sách khó duy trì vì lạm phát đang tăng. Thật khó để ghìm lợi suất khi mà lợi suất đang bứt phá để phản ánh những cải thiện trong nền kinh tế”, một nguồn tin nói.
Chính sách tiền tệ hiện tại của Nhật Bản đang giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, và đặt mục tiêu cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, tức lãi suất dài hạn, ở mức 0% với phạm vi dao động cho phép là +/-1 điểm phần trăm. Biên độ này đã tăng gấp đôi từ mức +/-0,5 điểm phần trăm trong đợt điều chỉnh hồi tháng 7.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters hồi tháng 9, hầu hết các nhà phân tích được hỏi đều dự báo BOJ sẽ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trước cuối năm 2024. Phần lớn cũng dự báo BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào năm tới.
Đối với tỷ giá đồng yên, bất kỳ tín hiệu dịch chuyển chính sách tiền tệ nào của BOJ cũng có thể khiến đồng tiền này tăng giá. Sáng 24/10, tỷ giá yên so với USD dao động dưới ngưỡng 150 yên đổi 1 USD. Mốc tỷ giá nhạy cảm này đã bị xuyên thủng hai lần vào hôm thứ Sáu và thứ Hai. Đây là ngưỡng tỷ giá đồng yên mà giới đầu tư cho rằng Bộ Tài chính Nhật Bản có thể can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ.