Công ty TNHH Hoà Phát Hưng Yên vừa có thông báo đến khách hàng về việc tăng giá bán. Theo công ty, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, Công ty quyết định tăng giá bán sản phẩm, cụ thể với mặt hàng thép cây tăng lên 150.000 đồng/tấn (giá này chưa bao gồm VAT). Phạm vi áp dụng trên toàn quốc, thời gian áp dụng từ ngày 20/3/2023.
Đây không phải lần đầu HPG điều chỉnh tăng giá trong năm 2023. Hồi tháng 2 vừa qua, với việc thị trường thép Trung Quốc diễn biến tích, HPG đã có thông báo điều chỉnh tăng giá thép cuộn cán nóng HRC thêm 55 USD/tấn.
Trước đó, thép HPG tại miền Bắc đã có đợt tăng 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hay mặt hàng thép cuộn CB240 tại miền Trung cũng được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn, hiện ở mức 15,37 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200.000 đồng/tấn có giá 15,42 triệu đồng/tấn…
Không riêng HPG, CTCP Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức (VGS) cũng vừa gửi thông báo đến khách hàng về việc tăng giá thép cây các chủng loại VGS thêm 150 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT 10%). Phạm vi áp dụng của VGS là cho thị trường miền Bắc và miền Trung, thời gian từ ngày 20/3/2023 cho đến khi có thông báo mới nhất.
“Trong thời gian qua, Công ty đã rất nỗ lực nhằm ổn định giá bán trên thị trường, tuy nhiên giá phôi thép và nguyên vật liệu tăng. Vì vậy, để đảm bảo giá bán sản phẩm phù hợp với chi phí đầu vào, Công ty xin thông báo đến quý khách hàng về việc tăng giá bán các loại hàng thép cây của Nhà nước so với giá bán hiện tại”, thông báo của VGS ghi.
Thực tế, từ cuối tháng 1, loạt công ty thép trong nước cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng này. Thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000-400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Như vậy, giá thép xây dựng trong nước đã chứng kiến mức điều chỉnh tăng mạnh lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm. Nguyên nhân chính không xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà là từ việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.
Trong báo cáo ngành thép mới cập nhật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp cho tới cuối 2023 trong bối cảnh nhu cầu thép chưa hồi phục, do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên và số nhà xây mới liên tục sụt giảm bởi nguồn vốn để phát triển dự án vẫn còn nhiều vướng mắc tại đây.
Ở thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho cộng thêm chi phí sản xuất thép sụt giảm. VCBS đánh giá giá thép ở mức 14.500 đồng/kg (hồi tháng 2/2023) đã là mức đáy của thép thanh, tuy nhiên do chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc nên sẽ khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới .
Nhìn chung, làn sóng đầu tư công dự tạo ra nhu cầu đối với thép nhờ giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2022 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.
VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.
Song, ngành bất động sản nội địa khó khăn đang là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép 2023 . Hiện thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu, thậm chí số dự án đang triển khai tại miền Nam còn thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu.