Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Các cơ quan chức năng cũng đã theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; diễn biến giá cả, cung cầu trong nước các mặt hàng thiết yếu để chủ động trong công tác phân tích, dự báo giá thị trường. Ngoài ra, diễn biến thuận lợi của thị trường hàng hóa thế giới thời gian qua cũng góp phần vào kết quả kiểm soát này.
Đầu tiên, chúng ta biết rằng với độ mở lên tới 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Do đó, diễn biến giá hàng hóa thế giới thường tác động trực tiếp và nhanh chóng tới Việt Nam. Kể từ năm 2022, lạm phát ở nhiều nước lên cao đã khiến các nền kinh tế lớn như Mỹ, khu vực châu Âu (EU) phải thắt chặt tiền tệ. Điều này kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, nhu cầu tiêu dùng giảm và giá hàng hóa thế giới cũng có xu hướng đi xuống.
Theo xu hướng giá thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu, nhóm gas giảm mạnh, tác động làm CPI chung giảm.
Năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%) nhưng vẫn dưới mục tiêu 4,5% của Chính phủ.
Có nhiều yếu tố tác động lên diễn biến giá dầu trong năm 2024. Trong đó, căng thẳng chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ ít đi có thể khiến giá chững hoặc đi xuống.
Cho tới thời điểm này, hầu hết các tổ chức lớn đều bi quan về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Chịu sức ép từ bài toán này, dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu thô cũng chậm lại, xuống mức 1,4 triệu thùng dầu/ngày từ gần 2 triệu thùng dầu/ngày vào năm nay.
Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng nhu cầu yếu, OPEC+ sẽ duy trì chính sách sản lượng thấp hoặc thậm chí sẽ cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu. Tại cuộc họp vào cuối tháng 11/2023, nhóm đã quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày. Theo đó, quý đầu năm 2024, thị trường có thể sẽ thâm hụt từ 500.000 đến 800.000 thùng dầu/ngày. Với kịch bản trung tính này, giá dầu WTI có thể đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng và dầu Brent khoảng 85 USD/thùng.
Năm 2024, ẩn số khó lường nhất tác động tới xu hướng giá dầu sẽ là rủi ro địa chính trị. Xung đột giữa Israel - Palestine dự kiến sẽ còn gây ra nhiều “sóng gió” và gần đây là gián đoạn vận chuyển tại khu vực biển Đỏ.
Kịch bản thứ hai - kịch bản xấu nhất, nếu căng thẳng mở rộng ra khu vực Trung Đông hoặc kéo theo sự tham gia của Mỹ hay Iran thì các huyết mạch dòng chảy dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong đó có các eo biển quan trọng chiến lược bao gồm eo biển Hormuz với quyền kiểm soát của Iran và eo biển Bad Al-mandab dưới sự ảnh hưởng của phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn. Nếu xung đột làm gián đoạn nghiêm trọng, khả năng giá dầu vượt 100 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.
Là quốc gia nhập khẩu xăng dầu, xu hướng giá xăng dầu trong nước năm 2024 sẽ bám sát với những biến động giá trên thế giới. Với kịch bản trung tính mà tôi đã phân tích ở trên, khả năng cao giá xăng dầu nội địa cũng sẽ nhích nhẹ vào đầu năm 2024, khi tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng tới giá toàn cầu. Nhưng xét tổng thể cả năm 2024, cung cầu sẽ tương đối cân bằng, giá dầu sẽ tiếp tục ổn định và có thể tương đương với mức trung bình của năm 2023 vừa qua.
Hơn nữa, năm 2024 sẽ ít khả năng giá xăng dầu trong nước tăng vọt bất thường như năm 2022. Về yếu tố thế giới, phần lớn là do rào cản từ sức ép tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là khoảng nửa đầu năm. Cuối năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới nên nước này cũng sẽ tìm mọi cách để kiềm chế giá tăng nóng.
Còn về yếu tố trong nước, việc ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dài hạn, đây chính là giải pháp hữu hiệu để giúp ổn định cung cầu và giá xăng dầu trong nước.
Tôi vẫn nhấn mạnh rủi ro địa chính trị trong năm 2024 sẽ khiến giá dầu thế giới biến động khó đoán và xăng dầu trong nước cũng vậy. Từ đầu thập kỷ đến nay, đã có ba lần chỉ số GPR Index đo lường rủi ro địa chính trị lên cao nhất kể từ năm 2005 và thường thì giá xăng dầu sẽ rất nhạy cảm với yếu tố này.
Đúng vậy. Điều này làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung gạo toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh tồn kho gạo toàn thế giới hướng tới sụt giảm năm thứ ba liên tiếp. Hiện, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đang dao động ở mức 653 USD/tấn, tức là đã tăng đến 200 USD/tấn so với hồi tháng 1/2023, tiếp tục giữ vững vị thế cao nhất thế giới.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 12/2023 tới nay, giá gạo xuất khẩu trong nước vẫn duy trì ở vùng giá cao kỷ lục và nhiều khả năng xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong nửa đầu năm 2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng cao.
Năm 2023, sản lượng cà phê toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino, đặc biệt là sản lượng cà phê Robusta tại các quốc gia sản xuất hàng đầu châu Á như Việt Nam và Indonesia. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng đã dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10% so với niên vụ trước do El Nino làm giảm năng suất cà phê. Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA mới nhất cũng hạ dự báo lượng cà phê sản xuất trong niên vụ 2023/2024 của Việt Nam còn 27,5 triệu bao loại 60kg, giảm 12% so với mức ước tính đưa ra trước đó.
Sản lượng cà phê Việt Nam và một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới như Brazil và Indonesia sụt giảm đã khiến thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Điều này đẩy giá cà phê nội địa lên mức đỉnh lịch sử là 69.600 đồng/kg vào ngày 20/12/2023.
Bước sang năm 2024, tôi cho rằng dù nguồn cung cà phê vụ mới nước ta đã sẵn sàng nhưng sản lượng vẫn thấp sẽ khiến giá cà phê tiếp tục neo ở mức cao và khó có thể giảm sâu. Hơn nữa, sản lượng cà phê Robusta tại Brazil và Indonesia dự kiến giảm, tồn kho trên Sở ICE-EU lùi dần về mức thấp lịch sử khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu gia tăng sẽ chi phối đến diễn biến giá.
Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là điểm yếu của nhiều ngành sản xuất của nước ta, ngành chăn nuôi là một ví dụ điển hình. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng 30 - 35% nhu cầu. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có thể phải chi 6,8 tỷ USD cho nhập khẩu các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, khô đậu tương, lúa mì… từ Argentina, Brazil, Mỹ, châu Á…
Chính vì phải trông chờ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên diễn biến giá nguyên liệu nông sản thế giới ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp nhập khẩu nước ta. Hiện nay, giá các mặt hàng này vẫn đang ở mức cao dù đã giảm từ mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Theo thông tin của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, hiện nguồn cung nguyên liệu nông sản thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu lạc quan hơn, khi lượng tồn kho ở các nước sản xuất lớn gia tăng. Tôi tin rằng thị trường sẽ còn hạ nhiệt trong năm 2024. Mặc dù vậy, sẽ khó để các doanh nghiệp có thể kỳ vọng giá quay trở lại mức bình thường như trước đại dịch Covid-19.
Đối diện với những thách thức trên, các doanh nghiệp nhập khẩu các loại nguyên, nhiên, vật liệu cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố cung - cầu như thời tiết, địa chính trị, và sự biến động liên thị trường để có những chiến lược thích ứng linh hoạt.