Sự xuống thang của lạm phát lẽ ra phải là tin vui đối với Fed, nhưng thực tế lại đang đặt ra một bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Lý do ở đây là nếu lạm phát giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2% của Fed, thì lãi suất thực - tức là lãi suất sau khi trừ đi lạm phát - sẽ tăng lên và có thể gây ra hạn chế quá mức đối với các hoạt động kinh tế. Trong trường hợp như vậy, Fed cần phải cắt giảm lãi suất, nhưng khó nhất là xác định bao giờ thì giảm và giảm bao nhiêu là đủ?
Trong cuộc họp vào hai ngày 30 và 31/1/2024, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5% và Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh, nhưng nói rằng việc Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 3/2024 như kỳ vọng gần đây của thị trường tài chính là điều không thể. Lạm phát ở Mỹ vẫn đang trên đà giảm về mục tiêu 2%, nhưng Fed muốn đảm bảo rằng xu hướng giảm này là bền vững trước khi có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Một điều đáng chú ý là trong tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp, Fed có một thay đổi quan trọng là dừng phát tín hiệu rằng lãi suất có khả năng phải tăng thêm. Cụm từ “thắt chặt thêm chính sách tiền tệ” không còn xuất hiện trong tuyên bố của Fed như những lần họp trước. Việc Fed chấm dứt khuynh hướng thắt chặt như vậy được coi là một sự xác nhận rằng giới chức Fed đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất trong những tháng tới, dù không phải là tháng 3.
Nguy cơ của việc hạ lãi suất sớm
Fed thường hạ lãi suất khi các hoạt động kinh tế giảm tốc mạnh. Nhưng câu chuyện lần này có vẻ không phải là như vậy, vì kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh một cách đáng ngạc nhiên trong năm 2023. Thay vào đó, Fed đang xem xét liệu sự xuống thang của lạm phát có đồng nghĩa rằng lãi suất thực sẽ tăng lên tới mức độ thắt chặt không cần thiết nếu Fed không hạ lãi suất.
Nhưng không phải Fed muốn hạ lãi suất là có thể dễ dàng hạ được ngay. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện đã giảm nhiều so với mức đỉnh của 17 năm thiết lập vào quý 4 năm ngoái, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đang trong xu hướng tăng điểm. Những yếu tố này có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Vì lý do này, nếu Fed giảm lãi suất quá sớm, lạm phát có thể “bốc đầu” trở lại. Bởi vậy, Fed có thể sẽ đợi tới tháng 5/2024 hoặc muộn hơn mới có đợt giảm lãi suất đầu tiên, theo ông William English, người từng là một nhà kinh tế cấp cao của Fed và hiện đang là giáo sư Trường Quản lý Yale.
Nhưng mặt khác, “nếu họ có được những con số lạm phát thực sự đáng yên tâm và nền kinh tế thực giảm tốc đi một chút, tôi cho rằng họ vẫn có thể dễ dàng hạ lãi suất vào tháng 3/2024”, ông English nói.
Có lẽ, các nhà hoạch định chính sách muốn hành động cẩn trọng trong việc hạ lãi suất vì họ chưa dám chắc xu hướng giảm gần đây của lạm phát có kéo dài hay không hoặc nền kinh tế liệu có tăng tốc tới mức đẩy lạm phát tăng trở lại hay không. Một số quan chức Fed đã nói rằng họ muốn bằng mọi giá tránh việc cắt giảm lãi suất chỉ để rồi phải tăng lãi suất trở lại.
Nhà kinh tế trưởng Dean Maki của Công ty quản lý Quỹ phòng hộ Point72 Asset Management dự báo Fed sẽ đợi tới tháng 6 mới bắt đầu giảm lãi suất, vì tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm năm nay sẽ còn tốt hơn kỳ vọng. Vị chuyên gia này cho rằng sẽ là sai lầm khi lo ngại lạm phát giảm đẩy lãi suất thực tăng lên, vì lạm phát giảm cũng làm gia tăng sức mua, niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. “Tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh lên khi lạm phát giảm. Tôi không thấy trong mấy thập kỷ qua có khi nào tăng trưởng giảm sau khi lạm phát giảm”, ông nói.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ cũng có thể chịu được lãi suất cao hơn một cách tốt hơn so với trước kia. Vào tháng 12/2023, hầu hết các quan chức Fed đều cho rằng lãi suất trung tính - mức lãi suất mà ở đó cung - cầu cân bằng nếu nền kinh tế vận hành ở công suất tối đa - đang là 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất quỹ liên bang của Fed. Từ tháng 7 năm ngoái tới nay, lãi suất Fed duy trì ở mức 5,25-5,5%. Điều đó có nghĩa là lãi suất đang có mức độ thắt chặt cao, nhưng nền kinh tế không hề suy yếu.
Ông Maki nhấn mạnh Fed “có khuynh hướng dựa vào các số liệu kinh tế để xác định chính sách tiền tệ có thắt chặt quá mức hay không, thay vì dựa vào ước tính về lãi suất trung tính”.
Giữ lãi suất lâu cũng nhiều rủi ro
Một số chuyên gia khác cảnh báo rằng việc đợi cho tới khi có dữ liệu kinh tế cho thấy Fed đang thắt chặt quá mức sẽ đòi hỏi ngân hàng trung ương này phải mạnh tay cắt giảm lãi suất trong trường hợp nền kinh tế rơi vào suy thoái như hồi năm 2001 và 2007. Họ chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn đối với các công ty nặng nợ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản - nơi có nhiều khoản vay từ thời lãi suất còn thấp trong đại dịch Covid-19. Những con nợ đó có thể rơi vào tình cảnh khó khăn nếu khoản nợ của họ cần phải được đảo nợ ở mức lãi suất cao hơn.
Lập luận ủng hộ việc Fed sớm giảm lãi suất được đưa ra như sau: giới chức Fed đã tăng nhanh lãi suất lên mức cao nhất 22 năm và dự định sẽ giữ lãi suất ở mức cao này trong một khoảng thời gian, vì lo ngại rằng lạm phát sẽ phải mất vài năm để giảm về ngưỡng mục tiêu. Tuy nhiên, lạm phát đang giảm nhanh hơn so với kỳ vọng. Tốc độ lạm phát lõi hàng năm trong kỳ 6 tháng từ tháng 7-12/2023 là 1,9%, giảm từ mức 4% trong kỳ 6 tháng trước đó.
“Fed đã thắt chặt rất mạnh mẽ. Không chỉ nguồn cung giảm mà nhu cầu cũng đã giảm xuống trong năm ngoái”, bà Esther George - người giữ vai trò Chủ tịch Fed Chi nhánh Kansas từ năm 2011 đến tận năm 2023 - phát biểu. Bà cho rằng “có nhiều dư địa” để cắt giảm lãi suất trước khi lãi suất giảm về mức trung tính.
Theo bà George, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có lý khi lo ngại rằng giảm lãi suất rồi lại tăng sẽ gây tổn hại uy tín của Fed. Nhưng bà nói rằng rủi ro lớn hơn ở thời điểm này là việc đợi quá lâu mới cắt giảm lãi suất sẽ gây ra tổn hại khó khắc phục đối với thị trường lao động. Chẳng hạn, vào tháng 11/2023, tốc độ tuyển dụng lao động trong nền kinh tế Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 10 năm - một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp có vẻ đang cảm thấy dư thừa lao động. “Thị trường việc làm đôi khi rất khó hiểu. Trước một cuộc suy thoái kinh tế, thị trường này thường trông có vẻ không quá tệ, nhưng rồi lao dốc rất nhanh”, bà George cảnh báo.
Fed tăng lãi suất dồn dập trong năm 2022-2023 vì lo ngại lạm phát cao có thể dẫn tới việc doanh nghiệp và người tiêu dùng kỳ vọng tình trạng giá cao sẽ duy trì dai dẳng, từ đó tạo ra một vòng xoáy tự mạnh lên và dẫn tới lạm phát vượt tầm kiểm soát như hồi thập niên 1970. Tuy nhiên, có vẻ như một loạt cú sốc đã dẫn tới sự gia tăng giá cả một lần rồi thôi ở các lĩnh vực nối tiếp nhau: hàng hóa, nhà ở, dịch vụ và lao động, theo nhà kinh tế Dario Perkins của GlobalData TS Lombard ở London. Điều này dẫn tới cảm giác rằng lạm phát leo thang một cách dai dẳng nhưng thực ra không phải như vậy.
“Fed có thể giảm lãi suất một cách khá nhanh chóng nếu động lực lạm phát đáng sợ của thập niên 1970 không tái diễn và đúng là điều đó hiện tại không tái diễn. Bài học của 12 tháng qua là nền kinh tế không nhất thiết phải hứng chịu tổn thất để đổi lấy việc lạm phát giảm về mức hợp lý”, ông Perkins phát biểu.