Ghi nhận trên thị trường, giá trứng gà tại nhiều chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh đã ở mức 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục - tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, giá trứng gia cầm thuộc chương trình bình ổn tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart hiện ở mức: trứng vịt 35.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng gà: 29.500 đồng/vỉ 10 trứng. Mức giá này đang thấp hơn giá thị trường từ 300 - 600 đồng/quả.
Tương tự, với mặt hàng thịt heo, thịt gà cũng đang có xu hướng tăng giá. Cụ thể, giá gà lông màu đang bán tại trại với mức từ 57.000 – 58.000 ngàn đồng/kg, cao hơn cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Gà lông trắng bán tại trại đang có giá từ 28.000 – 30.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Giá heo hơi đang bán tại trại có mức giá từ 56.000 – 57.000 đồng/kg. Theo đó, giá các mặt hàng thịt gà, heo bán lẻ ngoài thị trường cũng tăng cao so với trước.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn ngày 4/6, giá heo mảnh ở mức 67.000 – 76.000 đồng/kg, đùi giò 67.000 đồng/kg; cốt lết 73.000 đồng/kg, ba rọi 106.000 đồng/kg và sườn non 131.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5.
Trước tình hình giá nhiều mặt tăng mạnh trong thời gian qua, mới đây, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng trứng tại TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính xem xét cho điều chỉnh tăng giá vì "không thể cầm cự thêm được nữa".
Theo ông Trương Chí Thiện, tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, sau đợt điều chỉnh tăng giá trứng trong chương trình bình ổn ngày 2/4, giá trứng gà bình ổn thị trường đang là 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục. Mức giá này hiện thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch từ 3.000 – 6.000 đồng/chục so với giá bán ở thị trường.
Cũng theo ông Thiện, giá đầu vào đã tăng khoảng 40% so với tháng cùng kỳ năm trước. Hiện nay 80%-90% sản lượng trứng của công ty đang được bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn. Trong khi giá trứng trên thị trường tăng mạnh, người dân chuyển sang mua trứng trong các điểm bán hàng bình ổn khiến doanh nghiệp phải gồng lỗ. Nếu được tăng giá bán tối đa 10% thì doanh nghiệp có thể hòa vốn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giữ giá và dẫn dắt thị trường.
Tương tự, với công ty Cổ phần Ba Huân, bà Phạm Thị Huân – chủ tịch HĐQT công ty cho biết, công ty đang chịu áp lực lớn do giá thành sản xuất tăng khoảng 10% kể từ khi giá xăng tăng mạnh. So với thời điểm trước dịch, hiện sức mua đối với nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến đang giảm 30 - 40%, trứng gia cầm giảm 20%. Do đó, việc tăng giá bán cũng cần cân nhắc.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, cho biết sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, khô, gia vị đang thấp hơn 15 - 20% so với thời điểm ổn định. Tuy nhiên, sắp tới nhiều mặt hàng bình ổn giá có thể phải tiếp tục tăng giá bán do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng như tăng giá bán chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh, còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó và rất hệ trọng. Nhất là trong bối cảnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có độ trễ, trong khi đó sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn. Do đó, để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Đồng thời, cần khẩn trương hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.