Tại báo cáo thị trường trái phiếu vừa phát hành, VNDrirect Research cho biết tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý 3 đạt mức 64.696 tỷ đồng, (tăng 82,7% so với quý trước; tăng 243,8% so với cùng kỳ).
Thế kẹt của doanh nghiệp bất động sản
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn ngắn (1-2 năm) trong giai đoạn 2020-2021.
Cơ cấu TPDN đáo hạn trong quý 3/2022/Nguồn: HNX
Trong quý 3, bất động sản sẽ là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52 % tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riếng lẻ trong quý, tương đương 33.624 tỷ đồng ( tăng 166,9% so với quý 2 và tăng 252,3% so với cùng kỳ).
Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 3 là: Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).
Trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuộc ngành bất động sản, giá trị phát hành của ngành này đang có dấu hiệu giảm mạnh, chỉ đạt 12.248 tỷ đồng trong quý 2/2022 (giảm 58,9% so với quý trước; giảm 78,2% so với cùng kỳ).
Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 37,2% tổng giá trị đáo hạn trong quý 3, tương đương 24.036 tỷ đồng (tăng 17,6% so với quý 2 và 216,5% so với cùng kỳ).
Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 3 gồm: NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (5.000 tỷ đồng), NHTMCP Liên Việt (2.700 tỷ đồng) và NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (2.000 tỷ đồng).
Các ngành khác chiếm 10,9% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 3/2022, đạt 7.036 tỷ đồng (tăng 198,2% so với quý 2 và 319,3% so với cùng kỳ).
Các doanh nghiệp ngoài nhóm bất động sản và tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: CTCP Tập đoàn Sovico (1.250 tỷ đồng), CTCP Hàng không Vietjet (600 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (600 tỷ đồng).
Cơ cấu TPDN riêng lẻ đáo hạn theo tháng trong năm 2022 (Tỷ đồng)
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 2/2022 đạt mức 111.814 tỷ đồng, giảm mạnh 43,7% so với cùng kỳ nhưng tăng 71,9 % so với quý 1(chủ yếu do yếu tố Tết Nguyên đán). Nếu so với mức tăng trưởng 96,1% của giá trị phát hành trong quý 1/2022, đà tăng trưởng của quý 2 đã suy giảm đáng kể, chủ yếu đến từ nhóm các doanh nghiệp bất động sản.
Tỷ lệ phát hành thành công trong quý đạt 90,1%. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 99,7% và 0,3%. Trong quý 2, có 60 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 111.514 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng mạnh 88,5% so với quý trước, và giảm 40% so với cùng kỳ.
Giá trị &tỷ lệ phát hành thành công TPDN theo tháng (tỷ đồng)/Nguồn: VNDirect Research.
Sáu tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian tương đối trầm lắng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 23,7% so với cùng kỳ, chỉ còn 176.867 tỷ đồng; trong đó là 170.672 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (giảm 19,5% so với cùng kỳ) và 6.196 tỷ đồng phát hành ra công chúng (giảm 68,5% so với 6 tháng đầu năm 2021).
Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm, chiếm 50,9% tổng giá trị phát hành, giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ.
Nhóm ngành bất động sản chiếm 24,0% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 41% so với 6 tháng năm 2021.
Nhóm sản xuất và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 12,5% và 12,6% tổng giá trị phát hành trong 6 tháng đầu năm, giảm 2,6% và 52,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có giá trị phát hành dẫn đầu của 2 ngành ngân hàng và bất động sản lần lượt là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (13.005 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Địa ốc NOVA và các công ty con (12.857 tỷ đồng).
Những tác động từ dự thảo Nghị định 153
Dự thảo nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi (lần thứ 5) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố vào cuối tháng 4 và hiện vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để hoàn thiện.
Một số thay đổi chính trong dự thảo lần 5 được giới chuyên gia dự báo sẽ tác động không nhỏ tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.
Theo đó, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu với mục đích góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hay cho doanh nghiệp khác vay vốn. Yêu cầu này được cho là có thể bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khỏi việc các công ty sử dụng công ty con để phát hành trái phiếu nhằm cơ cấu lại chính nguồn vốn nợ của mình để đảo nợ. Tuy nhiên, nếu nội dung này được thông qua, doanh nghiệp sẽ không thể huy động vốn cho các mục đích mua bán và sáp nhập.
Dự thảo lần 5 cũng quy định cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (trên thị trường sơ cấp hoặc thứ cấp) do công ty đại chúng phát hành có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Điều này dẫn đến hạn chế nhà đầu tư chuyên nghiệp trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư. Mặt khác, các doanh nghiệp không niêm yết sẽ không thể huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành trái phiếu. Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dự kiến sẽ giảm mạnh nếu nội dung này được thông qua bởi phần lớn trái phiếu riêng lẻ được phát hành bởi các công ty chưa niêm yết.
Trong một diễn biến khác, ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Công văn số 7048/BTC-VP yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trước ngày 31/7.
Bộ Tài chính cũng cho biết đang theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.
Việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành…cũng được cơ quan quản lý siết chặt.