Nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clarke đã từng nhận xét rằng “bất kỳ công nghệ đủ tiên tiến nào cũng không thể so sánh được với ma thuật”.
Trong gần một thập kỷ qua, cảm giác kỳ diệu về các sản phẩm công nghệ đã biến mất. Những tiến bộ dần chậm lại. Mỗi máy tính bảng hay smartphone mới giờ chỉ là cải tiến khiêm tốn so với người tiền nhiệm của nó.
Trong khi đó, những các cuộc cách mạng được mong đợi như metaverse, blockchain, ôtô tự lái vẫn diễn ra một cách chậm chạp, đi kèm với những lời hứa rằng sự chuyển đổi thực sự chỉ còn vài năm nữa.
Cơn sốt AI
Tuy nhiên, một ngoại lệ trong năm nay là sự bùng nổ của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI. Sau nhiều năm được hứa hẹn hão huyền, AI đã trở nên tốt một cách đáng kinh ngạc vào năm 2022.
Bắt đầu với những công cụ phác họa ảnh từ văn bản như DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion. Chỉ sau một đêm, mọi người bắt đầu chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật bằng AI mà họ đã tạo miễn phí bằng cách chỉ cần nhập vài từ mô tả. Dù sáo rỗng hay tốt đến mức kinh ngạc, tất cả đều là những trải nghiệm mới mẻ.
Trong khi giới nghệ thuật vẫn còn tranh cãi về AI, tháng 11/2022, OpenAI ra mắt "cơn bão" mang tên ChatGPT. Đây chắc chắn không phải là chatbot AI đầu tiên và cuối cùng, nhưng giao diện người dùng trực quan cùng hiệu quả để lại gây ấn tượng chung rằng tương lai mới đang đến.
Các giáo sư cảnh báo rằng ChatGPT sẽ là dấu chấm hết cho bài luận đại học. Người dùng Twitter đang chia sẻ những ví dụ thú vị về lối viết thực sự thông minh của chatbot. Một điệp khúc phổ biến về ChatGPT là ca ngợi nó như một thứ ma thuật.
Hiện người dùng có thể tiếp cận công cụ này hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, Sam Altman - CEO OpenAI cảnh báo rằng chuyến tàu hấp dẫn cuối cùng sẽ phải dừng lại ở đâu đó.
“Chúng tôi sẽ phải kiếm tiền từ nó bằng cách nào đó vào một thời điểm nào đó vì chi phí cho việc tính toán thật đáng kinh ngạc”, Altman viết trên twitter.
OpenAI vốn là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2015 và nhận được một số nguồn tài trợ từ CEO Tesla Elon Musk, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và một số nhà đầu tư khác.
Thay vì theo đuổi lợi nhuận, OpenAI cam kết phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại. Điều lệ thành lập của đơn vị cũng cam kết từ bỏ cuộc đua phát triển AI nếu một đối thủ cạnh tranh đạt mục tiêu trước.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, OpenAI nhanh chóng thay đổi định hướng phi lợi nhuận và chuyển sang chiến lược mới.
Sau khi trở thành CEO OpenAI, Altman nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ CEO Microsoft Satya Nadella sau khi bay tới Seattle để giới thiệu mô hình trí tuệ nhân tạo. Khoản tài trợ khổng lồ giúp OpenAI nhanh chóng xây dựng hạ tầng và tài nguyên cần thiết cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Theo dự kiến của công ty, OpenAI sẽ kiếm được 200 triệu USD vào năm 2023. Có thể nói, việc cho người dùng thử miễn phí là một chiến lược tiếp thị xuất sắc của ChatGPT.
Ra mắt từ tháng 11, ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng với khả năng trả lời mọi câu hỏi và yêu cầu của người dùng như viết luận, lập trình, làm bài tập hộ… Chatbot của OpenAI đã thu về 1 triệu người sử dụng chỉ trong vòng 5 ngày.
OpenAI đang trên đường trở thành công ty gắn liền với những tiến bộ gây sốc trong viễn cảnh đưa AI hướng tới người tiêu dùng. Nếu Netflix là tiên phong trong lĩnh vực streaming phim ảnh, Google là gã khổng lồ tìm kiếm, thì OpenAI rất có thể sẽ trở thành ông trùm mô hình Deep learning (học chuyên sâu).
Áp lực tạo ra doanh thu
Tuy nhiên, một vấn đề rất lớn mà ChatGPT hay các công cụ AI khác sắp phải đối diện là câu hỏi về việc sử dụng chúng sẽ thay đổi như thế nào khi buộc phải trở thành công cụ tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ đốt tiền như bao năm qua? Liệu chúng có trở thành sản phẩm trả phí không và trở thành giải pháp cho các công ty mới đang cắt giảm các ngành công nghiệp hiện có với chi phí thấp hơn?.
Phần lớn các phần mềm ban đầu được cho là do cá nhân mỗi người dùng kiểm soát và tùy chỉnh. Sau đó, các thuật toán ngày nay được tối ưu hóa theo nhu cầu và lợi ích của các công ty phát triển và triển khai chúng.
Ví dụ tiêu biểu là Facebook, Instagram, YouTube và TikTok đều tìm cách khiến người dùng phải dành thời gian cho trang web của họ về mặt thuật toán. Nói theo cách đơn giản, chúng được thiết kế để phục vụ lợi ích của nền tảng chứ không phải công chúng.
Dù tương lại mà trí tuệ nhân tạo mang lại có vẻ giống như địa hình chưa được khám phá, nhưng nhiều khả năng nó vẫn sẽ đi lại con đường mòn ấy. The Atlantic nhận xét thẳng thắn người dùng rồi sẽ sống trong tương lai mang lại lợi nhuận đáng kể nhất cho các nhà đầu tư.
Altman cũng từng gợi ý rằng tốt nhất là ngừng tưởng tượng những gì mà một công cụ như ChatGPT có thể đạt được nếu được triển khai tự do và phổ biến. Đơn giản bởi chúng sẽ không tồn tại mãi như thế và thay vào đó, hãy bắt đầu đặt câu hỏi về cách sử dụng tiềm năng nào sẽ tối đa hóa doanh thu cho nhà phát triển.
Google cách mạng hóa tìm kiếm trên web vào năm 1998 với Google Search. Việc thống trị nền tảng tìm kiếm trên web vào thời điểm đó thực tế không tốn nhiều tiền bởi công nghệ trước tiên cần trở nên đủ hiệu quả để thu hút mọi người.
Khi điều đó xảy ra, Google nhanh chóng ra mắt nền tảng quảng cáo mục tiêu, AdWords vào năm 2001 và trở thành một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử trong những năm tiếp theo. Bản chất tìm kiếm không phải là một mảng kinh doanh lớn, nhưng sau đó nó đã đạt được nhờ sự nhanh nhạy của Google.
Sự cường điệu về "AI tạo sinh" (generative AI) cũng mang dáng dấp tương tự. Nếu coi lịch sử là tài liệu chỉ dẫn, thì tác động của các công cụ như ChatGPT sẽ chủ yếu vang dội trong các ngành hiện có thay vì phá vỡ chúng thông qua cạnh tranh trực tiếp.
DALL-E 2 có thể là một quả bóng phá hoại nhằm vào các nhà thiết kế đồ họa tự do. Tuy nhiên, nó làm được điều đó vì ngành này quá nhỏ và không có tổ chức để tự bảo vệ mình. Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư Mỹ và những ngành như chăm sóc sức khỏe lại thừa khả năng thiết lập các rào cản ngăn cản AI gia nhập.
ChatGPT cũng không phải là dấu chấm hết cho đại học dù vào cuối những năm 2000, các khóa học trực tuyến mở ồ ạt được cho là điềm báo về cái chết của giáo dục đại học. Tuy nhiên, đó có thể là dấu chấm hết cho hoạt động kinh doanh viết thuê các bài luận đại học.
Rắc rối với tầm nhìn của Altman là ngay cả khi một chương trình máy tính có thể đưa ra lời khuyên y tế chính xác, nó vẫn không thể kê đơn thuốc, yêu cầu kiểm tra Xquang hoặc nộp giấy tờ thuyết phục các công ty bảo hiểm thanh toán chi phí.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng "AI tạo sinh" (generative AI) giống như một trận đại hồng thủy trong ngành quan hệ công chúng. Tuy nhiên, tác động thực tế có thể sẽ không đáng kể, bởi vẫn còn nhiều rào cản đối với việc áp dụng AI.
Liệu có CEO nào dám chọn chọn cách thông báo với hội đồng quản trị và các cổ đông của họ rằng một biện pháp tiết kiệm chi phí tuyệt vời sẽ là đặt AI vào để thay thế bộ phận quảng cáo của công ty?.