Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón. Thực tế, việc áp thuế xuất khẩu này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu phân bón của một số đơn vị.
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty CP DAP-VINACHEM cho rằng, dự thảo mức thuế suất 5% này là mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực bình ổn giá phân bón trong nước. Mới nhìn qua thì như vậy, tuy nhiên khi phân tích kỹ, việc này không những khó đạt được mục tiêu đề ra, ngược lại còn gây thêm khó khăn thêm cho doanh nghiệp.
Về đề xuất của Bộ Tài chính, ông Vũ Văn Bằng đề xuất giữ nguyên, không tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu. Vì hai lý do sau:
Một là, nhu cầu trong nước đối với chủng loại phân bón DAP 61% có hạn và áp lực cạnh tranh lớn của hàng nhập khẩu nên hàng năm lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty ở thị trường trong nước cao nhất mới chỉ đạt 49% công suất thiết kế (năm 2016 đạt 108 ngàn tấn, năm 2017 đạt 153 ngàn tấn, năm 2018 đạt 147 ngàn tấn, năm 2019 đạt 162 ngàn tấn, năm 2020 đạt 143 ngàn tấn và năm 2021 đạt 159 ngàn tấn, với tỷ lệ tương ứng là 33%, 47%, 45%, 49%, 43%, 48%). Để tăng sản lượng sản xuất, qua đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sự cạnh tranh và cung cấp phân bón cho bà con nông dân giá hợp lý nhất, Công ty bắt buộc phải thực hiện xuất khẩu đối với lượng sản phẩm sản xuất ra dư so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thực tế, trong những năm lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh thì Công ty xuất hiện thua lỗ (điển hình như năm 2016).
Hai là, nếu tăng thuế để hạn chế xuất khẩu phân bón thì giá thành sản xuất phân DAP sẽ tăng lên. Như vậy càng khó để giảm giá thậm chí giá có thể phải tăng thêm để bù đắp giá thành gia tăng. Hiện nay, Công ty thực hiện xuất khẩu thì sẽ được hoàn phần thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với lượng xuất khẩu đó. Khoản hoàn thuế này được tính giảm trừ vào giá thành sản xuất trên từng đơn vị sản phẩm tiêu thụ (cả trong nước và xuất khẩu). Trong trường hợp không xuất khẩu, chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào chiếm khoảng 7,5% giá thành sản xuất. Trong khi hiện nay, cơ cấu sản phẩm của DAP –VINACHEM là 2/3 tiêu thụ nội địa, 1/3 dành cho xuất khẩu.
Nếu được xuất khẩu thì chi phí thuế giá trị gia tăng đầu vào chiếm khoảng 5,1% giá thành sản xuất. Có nghĩa là, trong trường hợp không được xuất khẩu, giá thành sản xuất sẽ tăng thêm 2,4%. Chi phí tăng thêm này sẽ do doanh nghiệp sản xuất trong nước phải gánh chịu. Như vậy, cơ hội để giảm giá phân bón cho người tiêu dùng trong nước là rất khó khăn, thậm chí là doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp một phần giá thành tăng thêm.
Ngoài ra xuất khẩu thu lại ngoại tệ cho đất nước và đảm bảo thuận lợi dòng tiền cho doanh nghiệp khi tham gia thương mại hội nhập.
Chính vì những lý do này, việc đề xuất áp thuế xuất khẩu phân bón 5% không những không làm giảm giá phân bón trong nước, mà vô hình chung lại gây tác dụng ngược, vừa làm tăng giá thành, đồng thời giảm sức cạnh tranh của phân bón Việt Nam với các sản phẩm cùng loại của các nước khi xuất khẩu vào cùng một thị trường - ông Vũ Văn Bằng nhấn mạnh.