Theo Bloomberg, Apple đang chuẩn bị chấp nhận chợ ứng dụng của bên thứ 3 xuất hiện trên các thiết bị iPhone, iPad của mình theo quy định mới mang tên “Đạo luật thị trường công nghệ thông tin” (DMA) sẽ có hiệu lực năm 2024 của Liên minh châu Âu (EU).
Điều này đi ngược lại chính sách bấy lâu này của Apple nhưng để kinh doanh tại châu Âu, “nhà Táo” bắt buộc phải làm như vậy. Bloomberg nhận định rằng quy định mới của EU sẽ nới lỏng sự kìm kẹp của gã khổng lồ công nghệ với một số chức năng cốt lõi của iPhone và thổi làn gió mới vào thiết bị này.
Trên thực tế, sự độc quyền chợ ứng dụng dựa trên nền tảng hệ điều hành iOS đã giúp Apple hưởng lợi lớn trong nhiều năm qua, bất chấp việc hãng bị nhiều chính trị gia, tỷ phú và doanh nghiệp chỉ trích.
Sự độc quyền có thể tốt cho hoạt động kinh doanh của Apple nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho người dùng. Giờ đây, quy định của EU đang buộc Apple phải nới lỏng kiểm soát và dẫn tới trải nghiệm đa dạng hơn trên iPhone khi các nhà phát triển tạo ra nhiều ứng dụng giàu tính năng hơn.
Bloomberg nhận định rằng sự thay đổi trên, dù bị Apple khước từ quyết liệt trong nhiều năm, cũng có thể đem lại lợi ích nhất định cho họ.
Nhiều người trong số hơn 1,2 tỷ người dùng iPhone của Apple đánh giá cao cách gã khổng lồ công nghệ giữ mọi thứ đơn giản trong những năm qua. Nhưng khi làm như vậy, công ty sẽ không thể tạo ra đổi mới lớn hơn. Trong một thị trường các thiết bị di động ngày càng bão hòa, chiếc iPhone từng gây kinh ngạc năm xưa đã bắt đầu đem lại cho người dùng cảm giác buồn tẻ và doanh số đã chững lại.
Tình trạng này sẽ không được giải quyết bằng việc hạn chế các nhà phát triển tiếp cận với nhiều giao diện lập trình ứng dụng của iPhone, những công cụ phần mềm giúp Apple làm cho mọi thứ đa dạng hơn.
Bloomberg cho biết Apple đang xây dựng nền tảng để cho phép các nhà phát triển ứng dụng bên ngoài sử dụng một số công nghệ iPhone được kiểm soát chặt chẽ nhất của công ty, bao gồm camera và chip cho phép thanh toán không tiếp xúc. Điều đó có nghĩa là người dùng iPhone có thể sớm chạm để thanh toán mọi thứ bằng ứng dụng ngân hàng và tài chính của họ, thay vì chỉ Apple Wallet.
Cũng theo kế hoạch của Apple, dịch vụ của các nhà phát triển ứng dụng web và trình duyệt web như Firefox và Chrome sẽ bớt rườm rà hơn trên iPhone.
Quyết định cho phép các cửa hàng ứng dụng khác xuất hiện trên iPhone và iPad của Apple (tương tự cách mà Google cho phép các chợ ứng dụng không phải của Google trên các thiết bị Android) sẽ mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn ứng dụng hơn.
Thực tế cho thấy đây không phải lần đầu tiên Apple hưởng lợi khi bị buộc phải “mở cửa”. Nhà đồng sáng lập Steve Jobs từng phản đối việc cho phép các ứng dụng không phải do chính Apple tạo ra xuất hiện trên iPhone vì sợ chúng sẽ lây nhiễm virus cho thiết bị hoặc "làm ô nhiễm tính toàn vẹn của thiết bị". Tuy nhiên, khi ông thay đổi quyết định, điều đó đã tạo tiền đề cho một thị trường thịnh vượng của các ứng dụng bên thứ ba.
Ngày nay, việc sử dụng các ứng dụng không phải của Apple để làm mọi thứ, từ lập kế hoạch du lịch, đọc tin tức đến mua sắm hay xem video TikTok là điều mà người dùng iPhone coi là điều hiển nhiên. Và đó là một phần quan trọng khiến iPhone trở thành một trong những sản phẩm tiêu dùng thành công nhất trong lịch sử.
Theo Bloomberg, quy định của EU nhằm giải quyết vấn đề độc quyền của các công ty công nghệ lớn. Trong trường hợp của Apple, nó được đưa ra từ một số cuộc điều tra đang chờ xử lý của EU về việc hãng bị cáo buộc lạm dụng quyền thống trị, bao gồm cả các ứng dụng phát nhạc trực tuyến và việc sử dụng Apple Pay cho các giao dịch mua hàng được thực hiện trong App Store. Đó là lý do tại sao DMA bao gồm các quy tắc ảnh hưởng cụ thể đến Apple.
Apple đang chuẩn bị một cách khôn ngoan để tuân thủ quy định, sau khi học được bài học quý giá từ những tranh chấp của Microsoft với các quan chức chống độc quyền của Mỹ và châu Âu vào đầu những năm 2000 về cách họ tích hợp Internet Explorer vào Windows. Kết quả là Microsoft buộc phải cho phép các trình duyệt khác như Firefox và Opera lên Windows, giúp mở ra nền tảng cho phần mềm của bên thứ ba.
Việc làm cho các sản phẩm cốt lõi của mình có khả năng tương tác cao hơn đã giúp Microsoft phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây còn non trẻ của mình.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Nếu không có vụ kiện đó thì “chúng ta có thể đang sống trong một thế giới chỉ có phần mềm do Microsoft thiết kế và những ứng dụng như Google hay Facebook thậm chí có thể không tồn tại. Thời điểm này, điều tương tự cũng đang xảy ra với các hệ điều hành di động”, một chuyên gia cho biết.
Đối với tất cả những lời quảng cáo về giá trị và tính bảo mật, Apple đã bỏ lỡ cơ hội để người dùng có được những trải nghiệm mới hơn, thú vị hơn trên nền tảng của mình. Vì thế, không loại trừ khả năng việc bị buộc phải cởi mở hơn đối với Apple lại là một điều may mắn về lâu dài.
Nguồn: Bloomberg