Apple đang vấp phải những trở ngại trong nỗ lực tăng sản lượng tại Ấn Độ, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với áp lực cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.
Nhà sản xuất iPhone đã gửi các nhà thiết kế sản phẩm và kỹ sư từ California và Trung Quốc đến các nhà máy ở miền nam Ấn Độ để đào tạo kỹ sư địa phương và thiết lập sản xuất, theo nguồn tin của Financial Time.
Động thái này được đưa ra khi Apple cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào chiến lược chuỗi cung ứng “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Họ bắt đầu xây dựng hoạt động sản xuất tại Ấn Độ trong chiến lược đa dạng hóa sản xuất, vốn từng áp dụng ở Trung Quốc 2 thập kỷ trước. Các kỹ sư và nhà thiết kế của họ dành hàng tuần hoặc hàng tháng tại các nhà máy để giám sát quá trình sản xuất.
Mặc dù Apple đã sản xuất các mẫu iPhone cấp thấp tại Ấn Độ từ năm 2017 nhưng từ tháng 9 năm ngoái, các nhà cung cấp Ấn Độ bắt đầu được sản xuất dòng iPhone 14 đầu bảng. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như vậy.
"2 linh kiện ra khỏi dây chuyền, chỉ có 1 đủ tốt để lắp ráp"
Tại một nhà máy sản xuất vỏ máy ở Hosur do tập đoàn Tata (Ấn Độ) điều hành, cứ 2 linh kiện ra khỏi dây chuyền sản xuất thì chỉ có 1 linh kiện ở tình trạng đủ tốt để gửi đến Foxconn - đối tác lắp ráp iPhone cho Apple, theo một người quen thuộc với vấn đề.
Năng suất chỉ ở mức 50% này là rất tệ so với mục tiêu của Apple là không được phát sinh lỗi nào trong quá trình sản xuất. 2 người từng làm việc cho các dự án ở nước ngoài của Apple cho biết nhà máy đã có kế hoạch cải thiện trình độ nhưng con đường phía trước còn rất dài.
“Chúng ta không nói về quy mô tương tự nhà máy Trịnh Châu - một trung tâm sản xuất iPhone ở Trung Quốc được gọi là ‘thành phố iPhone, sử dụng khoảng 300.000 công nhân”, Jue Wang - chuyên gia tư vấn tại Bain cho hay. “Mọi người đều thừa nhận hiệu quả vẫn còn kém xa nhưng việc sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã bắt đầu diễn ra”, cô nói.
Tại Trung Quốc, các nhà cung cấp và quan chức chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận “bằng bất cứ giá nào” để giành được đơn hàng sản xuất iPhone. Các cựu nhân viên Apple nói về các công việc nhất định mà họ ước tính mất vài tuần để hoàn thành lại có thể xong ngay vào sáng hôm sau với tốc độ không thể lý giải nổi.
"Không có cảm giác về sự cấp bách"
Các hoạt động tại Ấn Độ không chạy với tốc độ như vậy. Một cựu kỹ sư của Apple cho biết những người làm việc tại đây “không cho cảm giác về sự cấp bách”. Một người liên quan đến hoạt động của Apple cho biết quá trình mở rộng sang Ấn Độ diễn ra chậm một phần là do hậu cần, thuế quan và cơ sở hạ tầng. Người này cho hay quá trình mở rộng của Apple sang Đông Nam Á hiện diễn ra suôn sẻ hơn.
Mark Zetter, chủ tịch của Venture Outsource, một công ty tư vấn trong ngành công nghiệp điện tử, cho hay sự chậm chạp này đã tồn tại trong nhiều năm. 5 năm trước, khi Zetter thực hiện nghiên cứu cho tổ chức tư vấn Gateway House của Ấn Độ, ông thấy các nhà sản xuất theo hợp đồng thường sẽ tuyên bố “có thể đáp ứng mọi nhu cầu” nhưng thực tế sẽ chậm phản hồi các yêu cầu của khách hàng sau khi thỏa thuận được ký kết và “thiếu linh hoạt” để đáp ứng các thay đổi.
Các kỹ sư của Apple đôi khi cũng được ở tại những khách sạn ở trung tâm thành phố ở Chennai, thủ phủ của bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ - cách nhà máy nơi họ làm việc 2 giờ chạy xe. Như vậy, mỗi ngày họ mất khoảng 4 giờ đi lại với kết nối mạng đôi khi rất kém dọc theo tuyến đường.
Nhưng... Ấn Độ vẫn là điểm đến tiềm năng nhất
Bất chấp những vấn đề này, các nhà phân tích vẫn cho rằng tiềm năng của Ấn Độ đối với Apple là rất lớn. Bain, công ty tư vấn toàn cầu, ước tính xuất khẩu sản xuất từ Ấn Độ có thể tăng hơn gấp đôi từ 418 tỷ USD năm 2022 lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2028 nhờ hỗ trợ chính sách và chi phí thấp. Ước tính chỉ riêng xuất khẩu hàng điện tử sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm lên tới 40%.
Vivek Wadhwa, một doanh nhân và học giả tại thung lũng Silicon, người đã gặp các quan chức chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả Thủ tướng Narendra Modi, cho biết chính phủ trung ương đang khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nhu cầu muốn đa dạng hóa sản xuất của Apple.
“Chính quyền các tỉnh đang cố gắng làm những gì Trung Quốc đã làm. Cho họ 3 năm và bạn sẽ thấy quy mô mở rộng như thế nào”, ông nói.
Ấn Độ là cái tên được nhắc đến 15 lần trong báo cáo tài chính mới đây của Apple khi CEO Tim Cook nói rằng ông “rất lạc quan về Ấn Độ”. Ông gọi đây là thị trường “cực kỳ thú vị” và là “trọng tâm chính”, đồng thời xác nhận kế hoạch sớm mở các cửa hàng Apple Store đầu tiên tại đây.
Tata cũng có tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ đầy đủ cho Apple, giống Foxconn. Họ nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Ấn Độ.
Họ đang đàm phán để mua một nhà máy lắp ráp iPhone từ Wistron - một đối thủ của Foxconn, đang tìm cách rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã cho phép các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc bắt đầu hoạt động, liên doanh với đối tác Ấn Độ.
Một CEO trong ngành công nghiệp điện từ ở Tamil Nadu còn trách móc Apple đã “đến muộn” trong cuộc chơi này. “Đáng lẽ họ nên bắt đầu cuộc thử nghiệm này cách đây 5 năm. Họ nên đa dạng hóa sớm hơn để có thể thu được kết quả vào thời điểm này”, ông nói.