Hoạt động kinh doanh của Apple đang gặp rủi ro chưa từng có dù Trung Quốc đã công bố sẽ mở cửa trở lại trong vài ngày nữa. Thậm chí, các chuyên gia trong ngành còn cảnh báo rằng chuỗi sản xuất iPhone có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhiều tháng liền.
Những tháng cuối năm đầy hỗn loạn của Apple
Từ tháng 10 đến nay, Apple đã trải qua khoảng thời gian hỗn loạn khi nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất ở Trịnh Châu xảy ra bạo loạn. Sau bất ổn tại "thành phố iPhone" này, Foxconn đã phải dịch chuyển một phần chuỗi sản xuất sang các nhà máy khác. Trong khi đó, Apple cũng đàm phán với các đối tác cung ứng để giảm thời gian đợi hàng của khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, kể cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nguy cơ vẫn tiếp tục đến với tập đoàn. Các nhà máy sản xuất linh kiện, gia công sản phẩm của Táo khuyết tại quốc gia tỷ dân có thể sẽ gặp tình trạng thiếu nhân công, Financial Times nhận định.
“Nhiều hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng khi công nhân vắng mặt từ công xưởng, kho hàng, đến điểm bán, khâu vận chuyển hàng hóa…”, Bindiya Vakil, Giám đốc điều hành của công ty cung cấp dịch vụ lập bản đồ chuỗi cung ứng Resilinc, nhận định.
Hôm 6/11, Táo khuyết thừa nhận các đơn hàng đã gặp vấn đề, không thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng trước mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, 2 tuần trước, ban giám đốc tập đoàn cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng giai đoạn này chỉ đạt chưa đến 8% dù trong thời điểm quan trọng của năm.
Theo Visible Alpha, các nhà phân tích trong ngành đều cho rằng doanh thu của công ty trong quý này sẽ thấp hơn mức 123,9 tỷ USD từng đạt vào cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận ròng sẽ giảm hơn 8%. Con số này sẽ phá vỡ kỷ lục 14 quý tăng trưởng liên tiếp của Apple giữa bối cảnh sản lượng iPhone sụt giảm từ 5-15 triệu iPhone.
Nhiều nhà phân tích khác lại có dự báo tích cực hơn trong giai đoạn 6 tháng tới, cho thấy rằng những đơn đặt hàng chỉ bị hoãn lại thay vì hủy hoàn toàn. Song, rủi ro Apple sụt giảm doanh thu trong năm 2023 vẫn leo thang khi lượng người mắc Covid-19 ở Trung Quốc vẫn tăng. Một cửa hàng Apple Store ở khu trung tâm mua sắm Bắc Kinh đã phải đóng cửa sớm trong suốt một tuần qua vì toàn bộ nhân viên nghỉ ốm.
Phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc
Theo Financial Times, Trung Quốc sở hữu một vị thế quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Apple khi chiếm hơn 1/5 doanh thu của Táo khuyết, đồng thời là nơi chịu trách nhiệm sản xuất hơn 90% iPhone toàn cầu. Trong khi đó, đối thủ Samsung đã rời khỏi thị trường này từ năm 2019 và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình ít nhất ở 4 quốc gia khác nhau.
Horace Dediu, nhà phân tích tại công ty tư vấn Asymco, cho rằng hoạt động sản xuất và bán hàng của Apple sẽ tiếp tục bấp bênh trong vài tháng tới do nhu cầu mua smartphone mới giảm sút. “Ở các khu vực khác, giai đoạn giãn cách đã khiến nhu cầu nhiều mặt hàng tăng cao do chuyển sang làm việc tại nhà và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc lại dè chừng và sẽ không mua những món hàng có giá trị lớn trong năm tới”, chuyên gia nhận định.
Do đó, những đối tác cung ứng quan trọng nhất của Apple như Foxconn, Pegatron và Wistron đã tìm cách đối phó bằng cách mở rộng hoạt động sang Ấn Độ. Prabhu Ram, Giám đốc tại CyberMedia Research, Ấn Độ, ước tính sẽ có hơn 7-8% iPhone sẽ được gia công tại Ấn Độ. Ông cũng dự đoán 3 nhà cung ứng lớn này đã đặt mục tiêu sẽ sản xuất 18% iPhone ở nước này vào năm 2024.
“2-6 tháng tới là thời điểm quyết định đối với chuỗi cung ứng của Apple”, Alan Day, Chủ tịch công ty tư vấn State of Flux ở London nhận định.