Nguồn tin của Nikkei cho biết Apple đang hợp tác với tập đoàn BYD của Trung Quốc nhằm chuyển giao nguồn lực phụ trách giai đoạn ra mắt sản phẩm mới (NPI - New Product Introduction) cho iPad sang Việt Nam.
Trong giai đoạn NPI, các nhà cung ứng làm việc với Apple nhằm phác thảo quy trình sản xuất, đưa thiết bị từ bản vẽ ra đời thực để gia công hàng loạt.
Đây là lần đầu Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một dòng thiết bị quan trọng như iPad. Trước đó vào năm 2022, BYD cũng là nhà cung ứng đầu tiên chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPad sang Việt Nam.
Theo nguồn tin giấu tên, quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm một mẫu iPad sẽ diễn ra vào giữa tháng 2/2024. Thiết bị này dự kiến được Táo khuyết trình làng trong nửa cuối năm sau, thuộc dòng thấp hơn iPad Pro.
NPI đòi hỏi nguồn lực đáng kể từ Táo khuyết và nhà cung ứng. Giai đoạn này yêu cầu đội ngũ kỹ sư, đầu tư thiết bị cho phòng lab để thử nghiệm tính năng.
Hầu hết quy trình NPI của Apple diễn ra tại Trung Quốc do chuỗi cung ứng tại đây có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, Táo khuyết đã mở rộng lựa chọn trong vài năm qua.
Apple và BYD chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin. Không chỉ Việt Nam, Nikkei cho biết Táo khuyết cũng có kế hoạch chuyển một số giai đoạn NPI cho dòng iPhone sang Ấn Độ.
Theo số liệu của IDC, Apple là hãng tablet lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 36,6% trong 3 quý đầu năm. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 10% lượng iPad được lắp ráp tại Việt Nam, Counterpoint Research cho biết.
Việt Nam đang nổi lên như trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của Apple bên cạnh Trung Quốc. Những năm gần đây, Táo khuyết yêu cầu nhà cung ứng xây dựng dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam cho nhiều thiết bị quan trọng như AirPods, MacBook, Apple Watch hay iPad.
"Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược sản xuất của Apple. Quốc gia này như trung tâm, có khả năng trở thành một trong những cứ điểm sản xuất tiếp theo trên toàn cầu.
Bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple chứng minh dây chuyền tại Việt Nam có khả năng lắp ráp iPad và mở rộng quy mô", Ivan Lam, nhà phân tích công nghệ tại Counterpoint Research, cho biết.
Bryan Ma, Phó chủ tịch Nghiên cứu Thiết bị Khách của IDC, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ kế hoạch đa dạng hóa ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, không chỉ tablet mà còn có máy tính cá nhân.