Tập đoàn công nghệ Mỹ - Apple.
Thỏa thuận đàm phán này đánh dấu thắng lợi mới cho các quốc gia Đông Nam Á khi “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, khi đây là nơi sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ này, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPod.
Nikkei Asia cho biết, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc sản xuất Apple Watch đòi hỏi mức độ tinh vi cao hơn, vì việc ép nhiều linh kiện vào một chiếc vỏ nhỏ đòi hỏi kỹ năng công nghệ cao.
Sản xuất thiết bị này sẽ là một thắng lợi cho Việt Nam khi quốc gia này đang nỗ lực nâng cao hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghệ của mình.
Apple cũng đã tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam sau khi các lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 ở Thượng Hải gây ra sự gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng.
Trước đó, BYD của Trung Quốc là công ty đầu tiên hỗ trợ sự chuyển dịch này, mặc dù các nguồn thạo tin tin cho biết Foxconn cũng đang giúp sản xuất nhiều iPad hơn ở Việt Nam.
Hiện tại, Apple cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm cho loa thông minh HomePod của mình tại Việt Nam.
Với MacBook, hai nguồn tin cho biết Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tiến độ chuyển hoạt động sản xuất MacBook hàng loạt sang Việt Nam đang diễn ra chậm, một phần là do tình trạng gián đoạn liên quan tới đại dịch COVID-19 và phần khác là do việc sản xuất máy tính xách tay liên quan tới một chuỗi cung ứng lớn hơn.
Mà mạng lưới đó hiện đang tập trung ở Trung Quốc và rất cạnh tranh về chi phí.
Một nguồn tin khẳng định: "AirPods, Apple Watch, HomePod và hơn thế nữa... Apple có những kế hoạch lớn tại Việt Nam, ngoài việc sản xuất iPhone."
Nguồn tin này cho biết thêm: "Các thành phần của MacBook đã được module hóa nhiều hơn so với trước đây, giúp cho việc sản xuất máy tính xách tay bên ngoài Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Nhưng làm thế nào để sản phẩm có giá thành cạnh tranh lại là một thách thức khác."
Với Việt Nam, sự thay đổi chiến lược này của Apple mang lại nhiều lợi ích.
Theo phân tích của Nikkei Asia về danh sách các nhà cung cấp hiện có mới nhất của Apple và các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin, số lượng nhà cung cấp của Apple có cơ sở tại Việt Nam đã tăng từ 14 công ty vào năm 2018 lên ít nhất 22 công ty.
Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.