Thuật ngữ "AI thế hệ mới" đang trở nên rất phổ biến nhờ vào cơn sốt ChatGPT từ cuối năm 2022.
Thành công của chatbot AI này không chỉ giúp OpenAI trở thành một trong những công ty được săn đón nhất hiện nay, mà còn là chất xúc tác cho một cuộc chạy đua vũ trang AI trong ngành công nghệ.
Tuy nhiên, bất chấp việc phần lớn các ông lớn công nghệ đều đã chính thức tham gia lĩnh vực AI, Apple cho đến nay vẫn chưa có động thái rõ ràng gia nhập cuộc đua này.
Toan tính của Apple
Tại sự kiện Google I/O hồi tháng 5, Google đưa ra một loạt các thông báo ra mắt sản phẩm có tích hợp trí tuệ nhân tạo, bao gồm một phiên bản tìm kiếm dựa trên AI mới.
Trước đó, để không bị lép vế so với các đối thủ cạnh tranh, Google phát hành chatbot Bard gấp rút đến mức để lộ lỗi sai thông tin ngay trên video giới thiệu sản phẩm.
Không chỉ Google tỏ ra vội vã trong cuộc đua này. Microsoft đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI để đổi lấy quyền tích hợp công cụ này vào trình tìm kiếm Bing nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, hãng cũng đưa AI vào bộ công cụ văn phòng Office nổi tiếng.
Hồi tháng 2, Meta cũng đã phát hành mô hình AI phức tạp của riêng mình với nhiều khả năng tương tự như ChatGPT và Bard, dưới dạng phần mềm nguồn mở cho cộng đồng.
Apple thì sao? Mặc dù công nghệ AI hầu như không mới đối với các sản phẩm của Apple, nhà sản xuất iPhone cho đến nay vẫn chưa có động thái công khai nào sẽ tham gia lĩnh vực được hứa hẹn là "mỏ vàng" này.
Theo Avi Greengart, nhà phân tích tại Techsponential, dù AI tạo sinh (Generative AI) đang cực kỳ phát triển, Apple có thể đang cân nhắc kỹ lưỡng về cách áp dụng các công nghệ mới để phù hợp với hệ sinh thái của mình.
Thực tế lập luận này không phải không có cơ sở. Từ trước đến nay, Apple thường áp dụng cách tiếp cận thận trọng xung quanh những công nghệ mới nổi và điều đó nhiều lần mang lại hiệu quả cho gã khổng lồ công nghệ.
Có thể kể đến iPad không phải là máy tính bảng đầu tiên, nhưng CNET nhận định nó chính là thiết bị tốt nhất.
Một ví dụ gần đây hơn về mặt phần cứng là thiết bị gập. Trong khi những công ty công nghệ giàu có nhất thế giới, bao gồm Samsung, Microsoft và cả Google đều đang cạnh tranh khốc liệt với những mẫu điện thoại gập, Apple cho đến nay vẫn chọn cách đứng ngoài.
Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple nhận xét những tiến bộ gần đây trong AI tạo sinh là "rất thú vị". Tuy nhiên, ông cho biết công ty sẽ "cân nhắc và thận trọng" trong cách tiếp cận công nghệ của mình.
Tuy nhiên, với công nghệ AI đang phát triển như vũ bão, Apple đứng trước nguy cơ bị tụt lại khá xa so với các đối thủ.
Có thể lấy ví dụ HomePod của Apple được giới thiệu rất lâu sau Amazon Echo và Google Home, những sản phẩm có thị phần cao hơn nhiều so với Táo khuyết trong phân khúc loa thông minh.
Trâu chậm uống nước đục
Mặc dù Apple chưa công khai tham gia cuộc chạy đua AI, một báo cáo gần đây của 9to5Mac cho biết nhà sản xuất iPhone đang nghiên cứu nâng cấp công nghệ này lên trợ lý ảo Siri. Táo khuyết đặt mục tiêu cải thiện khả năng đàm thoại của trợ lý ảo thông qua những ứng dụng AI giống như ChatGPT.
Chỉ trong 3 tuần đầu tiên của tháng 5, Apple đã đăng tuyển 28 công việc mới liên quan đến công nghệ AI khi tìm kiếm các kỹ sư cấp cao, nhà khoa học nghiên cứu, quản lý dự án đặc biệt... Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, công ty cho biết họ kỳ vọng AI tạo sinh sẽ “biến đổi các nền tảng điện toán di động của Apple”.
Theo 9to5Mac, Tim Cook đã không phóng đại khi nói về AI tạo sinh mà đưa ra quan điểm thận trọng. Trong tháng 5, Apple đã cấm nhân viên sử dụng các công cụ AI đang có mặt trên thị trường, với lý do mất an toàn thông tin.
Thực tế AI không phải là một khái niệm hoàn toàn mới đối với Apple. Trợ lý ảo Siri, được ra mắt lần đầu cách đây 12 năm, sử dụng tính năng nhận dạng giọng nói và học máy để hiểu câu hỏi và đưa ra câu trả lời.
Đến những tháng gần đây, Apple tiếp tục giới thiệu các cải tiến cho các tính năng camera như Photographic Styles và Visual Look Up cho phép tách chủ thể khỏi bức ảnh. Cả hai tính năng này đều phụ thuộc vào sức mạnh AI xử lý.
Bên cạnh đó, máy tính dòng Mac và MacBook của Apple hiện chạy trên chip M1 và M2 do Apple thiết kế, có 6 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm năng lượng, chuyên dùng cho các tác vụ AI và máy học. Apple cho biết hiệu suất AI trên chip của hãng nhanh hơn 40% so với chip Intel cũ.
Greengart cũng nhấn mạnh sẽ rất hợp lý nếu Apple đưa công nghệ này vào một số sản phẩm vượt ra ngoài Siri, cũng như các dịch vụ hỗ trợ AI hiện tại của hãng.
“Apple thích định vị mình là điểm giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật tự do. AI tạo sinh sẽ phù hợp hoàn hảo với các công cụ và phần mềm mà Apple cung cấp để người dùng thể hiện cá tính từ GarageBand, chỉnh sửa ảnh đến soạn email trên iPhone, iPad và Mac", Greengart viết gửi cho tờ CNET.
Mặc dù vậy, việc tích hợp một chatbot như ChatGPT của OpenAI hoặc Bard của Google có thể sẽ không phải là phương án được Apple chọn.
Công nghệ cơ bản đằng sau những chatbot đó, được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn, yêu cầu lượng tài nguyên dữ liệu để phát triển. Với vị thế của mình và lượng người dùng trong hệ sinh thái của mình, Apple có những tài nguyên đó, nhưng nó sẽ phải là một khoản đầu tư đáng giá để nhà sản xuất iPhone đặt cược.
Theo CNET, tại WWDC 2023, hội nghị thường niên cho lập trình viên của Apple sẽ diễn ra từ ngày 5-9/6 tới, các giám đốc của Apple có thể sẽ hé lộ thêm chi tiết về cách nhà sản xuất iPhone nhìn nhận về trí tuệ sáng tạo AI và cách ứng dụng nó phù hợp với hoạt động kinh doanh rộng lớn hơn.
Tại các sự kiện WWDC trước đây, Apple thường giới thiệu những bản cập nhật phần mềm mới cho iPhone, Apple Watch hay iPad. Rất có thể, những bản cập nhật tại sự kiện năm nay sẽ ghi dấu ấn của AI.