Trong bài phân tích đăng trên Twitter, các lập trình viên thuộc công ty phần mềm Mysk cho biết dữ liệu được App Store gửi về Apple xuất hiện mục "dsId". Viết tắt của Directory Services Identifier, đây là mã số gắn với mỗi tài khoản iCloud đăng nhập trong máy.
Theo Mysk, DSID vẫn được App Store thu thập bất kể người dùng có bật tùy chọn gửi dữ liệu phân tích thiết bị về Apple hay không. Do iCloud chứa những thông tin như tên, ngày sinh và email của người dùng, việc thu thập DSID đồng nghĩa các dữ liệu ấy cũng được gửi về Apple.
Động thái này trái ngược cam kết của Apple rằng "không thu thập bất cứ thông tin dùng để xác định danh tính" và "dữ liệu cá nhân hoàn toàn không được ghi nhận, tuân theo các kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư hoặc bị xóa khỏi báo cáo trước khi gửi về Apple".
Trước đó vào đầu tháng 11, Mysk đã đăng video chứng minh dữ liệu iPhone được gửi về Apple kể cả khi người dùng không cho phép. Trong một ví dụ, kho ứng dụng App Store thu thập các hành động theo thời gian thực, bao gồm nội dung được nhấn, ứng dụng đang tìm kiếm...
Các ứng dụng mặc định như Apple Music, Apple TV, Books, iTunes Store và Stocks đều gửi dữ liệu phân tích về Apple. Một số thông tin gắn với danh tính thiết bị như model iPhone, độ phân giải màn hình, ngôn ngữ bàn phím... Việc tắt cài đặt "iPhone Analytics" không mang đến khác biệt rõ rệt.
Tương tự thông tin nhận dạng iPhone, DSID cũng được thu thập bởi các app mặc định ngoài App Store. Mã số này gắn liền với iCloud chứa danh tính người dùng và không có cách vô hiệu hóa.
Sau bài viết đầu tiên của Mysk, một đơn kiện tập thể được gửi lên tòa án California (Mỹ) vào ngày 10/11, cáo buộc Apple thu thập dữ liệu người dùng iPhone ngay cả khi các cài đặt được tắt, vi phạm Đạo luật Xâm phạm Quyền Riêng tư California.
"Quyền riêng tư là một trong những yếu tố được Apple sử dụng để tạo ra khác biệt trong sản phẩm của họ so với đối thủ. Tuy nhiên, những phát ngôn về quyền riêng tư của công ty chỉ là viển vông", Elliot Libman, đại diện nguyên đơn cho biết.
Apple luôn tạo dựng hình ảnh như một công ty bảo mật, quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng. Hãng công nghệ từng chạy biển quảng cáo với khẩu hiệu “Nếu nói về bảo mật, phải nói về iPhone” (Privacy. That’s iPhone) suốt nhiều tháng để khẳng định khả năng bảo vệ quyền riêng tư của mình.
Tuy nhiên, những thay đổi gần đây cho thấy Apple đang đi ngược lại tôn chỉ, trong bối cảnh công ty mở rộng sang lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.