Thu cũ - đổi mới luôn là chính sách được cả Apple và các nhà mạng triển khai mạnh mẽ mỗi khi ra mắt dòng sản phẩm mới.
Vậy vì sao các nhà sản xuất điện thoại và những đối tác cung cấp dịch vụ di động lại sẵn sàng đổi lấy chiếc điện thoại cũ của người dùng đến vậy?
Về lý thuyết, các chương trình thu cũ - đổi mới được quảng cáo sẽ giúp điện thoại cũ của người dùng không đổ ra bãi rác hoặc tích tụ bụi trong ngăn kéo bàn. Tuy nhiên, thực tế việc thu lại những chiếc điện thoại cũ cũng là một cách để Apple và các nhà mạng kiếm thêm tiền.
Thâm nhập vào công xưởng "hô biến" iPhone cũ
Theo số liệu từ công ty phân tích IDC, có đến hơn 282 triệu smartphone cũ đã được xuất xưởng vào năm 2022, bao gồm cả điện thoại được tân trang lại hay hàng đã qua sử dụng.
Mặc dù con số này ít hơn đáng kể so với 1,2 tỷ smartphone mới được xuất xưởng trong cùng năm, nhưng IDC dự đoán thị trường điện thoại cũ sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm cho đến năm 2026.
Nếu có quá nhiều điện thoại được vận chuyển, chúng sẽ đi đâu và ai sẽ kiếm tiền từ chúng? Phóng viên Joanna Stern của WSJ đã quyết định thực hiện ký sự tìm hiểu toàn bộ quy trình tân trang những chiếc iPhone cũ để tìm kiếm nguyên nhân cho sự bùng nổ của thị trường điện thoại cũ.
Ban đầu, Stern tiếp cận với các nhà mạng Verizon, T-Mobile cùng những nhà sản xuất như Apple và Samsung để đặt vấn đề, nhưng không nhận được bất kỳ câu trả lời nào thỏa đáng.
Vì sao các nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại lại thận trọng đến như vậy? Nữ phóng viên quyết định tìm câu trả lời bằng cách tiếp cận với các công ty mua điện thoại cũ từ chính các nhà mạng
Sau nhiều lần bị từ chối, một công ty có tên viết tắt là USMP đã cho phép Stern tham quan kho hàng của họ.
Theo Stern, trong năm 2022, USMP đã xử lý hơn 2,5 triệu thiết bị cũ được công ty mua lại từ các nhà mạng tại cơ sở ở New Brunswick, New Jersey. Phần lớn trong số này là những chiếc iPhone của Apple.
Trong quá trình tham quan cơ sở, nữ phóng viên của WSJ đã phát hiện một lô hàng gồm 3.000 chiếc iPhone cũ đến từ một trong những nhà mạng lớn của Mỹ vừa đến kho của USMP.
Với sự giúp đỡ của CEO USMP là Sammy Sabbagh, Stern thử khui một hộp lớn và lấy ra từ bên trong là một chiếc iPhone 11 dung lượng 128 GB đời cũ.
Phóng viên này sau đó đặt giả thuyết về hành trình của chiếc iPhone cũ này. Cụ thể, người chủ cũ, tạm gọi là Bob đã bảo quản chiếc điện thoại trong tình trạng khá tốt.
Do điện thoại của Bob không có vết trầy xước lớn nào hoặc bị vỡ kính, anh có thể sẽ nhận được khoản tiền thu cũ lớn nhất có thể.
Theo trang web của Apple, mức giá sẽ rơi vào khoảng 200 USD. Những người trong ngành tiết lộ đây là cách tốt nhất để kiểm tra xem ai đó có thể trả bao nhiêu cho một chiếc iPhone cũ.
Tuy nhiên, Stern cho rằng các nhà mạng của Bob có thể đã trả cho anh số tiền nhiều hơn.
Cụ thể, AT&T, Verizon và T-Mobile đang có chương trình đổi ngang một chiếc iPhone 11 cũ sang iPhone 14, với điều kiện là điện thoại vẫn còn mới như Bob và đăng ký gói cước với nhà mạng.
Vậy làm thế nào mà một chiếc điện thoại cũ trị giá 200 USD lại đem về cho Bob một chiếc iPhone 14 mới trị giá tới 800 USD?
Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ của Creative Strategies, cho biết thông qua các gói thanh toán nhiều năm, các nhà mạng sẽ khiến người dùng gắn bó với dịch vụ di động của họ và từ đó thu hút khách hàng lựa chọn gói dữ liệu 5G cao cấp hơn.
Theo thời gian, điều này giúp các nhà mạng thu lại chi phí mà họ bỏ ra để người dùng nâng cấp từ điện thoại cũ sang một chiếc điện thoại mới.
Hô biến iPhone cũ thành iPhone mới
Nữ phóng viên WSJ tiết lộ có đến 2/3 trong số điện thoại cũ được đưa đến cơ sở của USMP đã bị xóa sạch dữ liệu và sau đó bán lại cho thương nhân, thường là ở bên ngoài nước Mỹ.
Phần còn lại sẽ được chuyển đến công ty con Back in the Box để được vệ sinh, tân trang và bán lại cho người mua trên Amazon hoặc Back Market - một chợ điện thoại cũ rất phổ biến.
Vậy còn những chiếc điện thoại Android thì sao? Theo CEO của Back in the Box, Ari Marinovsky cho biết, mặc dù công ty vẫn có bán lại một số thiết bị Android cũ, sản phẩm chính vẫn là iPhone và iPad do giá bán nhỉnh hơn.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là Apple vẫn hỗ trợ cập nhật phần mềm trong nhiều năm cho các dòng điện thoại cũ, điều mà hiếm có nhà sản xuất Android nào làm được.
Trong quá trình tham quan, ông Sabbagh đã chỉ cho Stern 4 điểm dừng chính cho chiếc iPhone 11 cũ của Bob.
Đầu tiên sẽ là công đoạn xóa và phân loại dữ liệu. USMP có phần mềm đặc biệt có thể xóa mọi dữ liệu do người chủ sở hữu trước để lại. Sau đó, công nhân đưa thiết bị qua các bài kiểm tra từng chức năng như micrô, loa, màn hình, camera và nút bấm. Ngoài ra, dung lượng pin cũng được đánh giá kỹ lượng.
Các thiết bị có tình trạng pin từ 80% trở xuống, nghĩa là thời lượng dùng đã giảm từ 20% trở lên so với số liệu từ nhà sản xuất, sẽ được loại ra để bán lại với giá rẻ ở nơi khác.
Tiếp đến, các công nhân sử dụng bàn chải đánh răng để luồn vào các kẽ hở, tăm nhựa để gỡ nhãn dán, rồi tiếp tục dùng nước rửa tay khô và vải sợi nhỏ để lau màn hình.
Giai đoạn tiếp theo là phân loại. Những chiếc điện thoại cũ sẽ được kiểm tra về ngoại hình rồi xếp loại theo giá bán. Màn hình chiếc iPhone 11 của Bob không có bất kỳ vết trầy xước nào, đồng thời cũng không thể nhìn thấy bất kỳ vết nào trên vỏ máy, đạt điểm A trên thang đánh giá.
Cuối cùng, nhân viên sẽ cẩn thận đưa chiếc iPhone 11 cũ loại A này vào một túi đệm và đưa vô hộp cùng với cáp sạc mới.
Tùy thuộc vào chất lượng đánh giá, ông Marinovsky cho biết những chiếc iPhone được tân trang lại có giá thấp hơn 20-30% so với giá bán lẻ của một chiếc điện thoại mới.
Về trường hợp chiếc iPhone 11 cũ của Bob, Back in the Box niêm yết giá bán ở mức khoảng 350 USD trên Back Market. Trong khi đó, ở một số nhà bán lẻ, một chiếc iPhone 11 mới sẽ có giá khoảng 500 USD. Đây là mức giá tốt cho người dùng, ông Marinovsky nhận định. Ngoài ra, nó cũng mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận tương đối ổn khoảng từ 10-15% mỗi chiếc.