Vào 19h ngày 31/5 (giờ địa phương), Apple đã tổ chức livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử Tmall tại Trung Quốc. Đây là lần đầu Táo khuyết áp dụng cách bán hàng này trên toàn cầu.
Trong buổi livestream, 4 nhân viên bán hàng mặc đồng phục của Apple Store, chủ yếu nói về tính năng và hướng dẫn sử dụng thiết bị thông qua video được ghi hình trước. Thông tin và nút mua hàng xuất hiện dưới góc màn hình.
Theo Patently Apple, buổi livestream giới thiệu 24 thiết bị từ iPhone 14 Pro, Apple Watch đến tai nghe AirPods. Sự kiện kéo dài trong một tiếng, thu hút khoảng 1,3 triệu lượt xem, hơn 300.000 lượt thích, mang về doanh thu khoảng 75.000 USD.
Buổi livestream được tổ chức hơn 2 tuần trước khi lễ hội mua sắm 618 diễn ra tại Trung Quốc. Đây là dịp mua sắm trực tuyến hoành tráng thứ 2 tại đất nước tỷ dân, chỉ sau Lễ độc thân (ngày 11/11).
Ban đầu, lễ hội mua sắm 618 diễn ra vào 18/6 hàng năm để kỷ niệm ngày thành lập sàn thương mại điện tử JD.com. Tuy nhiên, các nền tảng đối thủ dần "ăn theo" và tổ chức các sự kiện mua sắm trong một tháng.
Tại lễ hội năm nay, cửa hàng chính thức của Apple trên Tmall giảm giá iPhone 14 Pro 128 GB từ 1.127 USD xuống còn 917 USD. Trong khi đó, Apple Watch Series 8 được giảm giá khoảng 56 USD.
Các nền tảng Internet tại Trung Quốc thường xuyên bán sản phẩm dưới dạng livestream. Người dùng có thể tương tác với thương hiệu và mua hàng theo thời gian thực.
Theo SCMP, Apple đang tìm cách phục hồi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan. Trong quý I, tổng doanh thu của Táo khuyết ở các khu vực trên là 17,8 tỷ USD, giảm gần 3% so với năm ngoái.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 3, CEO Tim Cook gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các quan chức khác. Ông cam kết Táo khuyết vẫn hợp tác chặt chẽ với thị trường tỷ dân trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Apple không phải cái tên duy nhất livestream bán hàng tại Trung Quốc. Các thương hiệu cao cấp như Prada, Louis Vuitton và Givenchy, được xem là bảo thủ trong cách bán hàng và marketing, cũng livestream để tìm cơ hội mới.
Tại Trung Quốc, xu hướng mua sắm online bùng nổ từ năm 2016. Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, lượng người mua hàng trực tuyến trong 2022 đạt 515 triệu, tăng 11% so với năm ngoái.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong khi tổng doanh số bán hàng online và offline năm 2022 giảm 0,2%, các nền tảng thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng 4%, riêng doanh thu thông qua livestream tăng vài lần.