Hội nghị thường niên cho lập trình viên (WWDC) 2022 của Apple đã mang đến hàng loạt nâng cấp ở hệ điều hành iOS 16, macOS Ventura, vi xử lý M2, MacBook Air mới.
Tuy nhiên, Inc cho rằng tính năng đáng chú ý nhất của Apple trong sự kiện WWDC năm nay nằm ở ứng dụng Wallet (ví tiền). Tính năng thể hiện tham vọng lấn sân vào hình thức kinh doanh mới, thậm chí là biến Apple thành một công ty fintech thực thụ.
Đón đầu xu hướng "mua trước, trả tiền sau"
Ứng dụng Wallet vừa được bổ sung tính năng “Thanh toán sau” (Apple Pay Later), hỗ trợ người dùng mua hàng trả góp thông qua Apple Pay và chia nhỏ các giao dịch mua bán thành bốn lần thanh toán với lãi suất 0%.
Tuy không được chú ý bằng các tính năng khác, Apple Pay Later chính là tiền đề để Apple thâm nhập vào dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” (buy now, pay later - BNPL) đang trở thành xu hướng.
Đây là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt. Theo báo cáo của Worldpay, hình thức BNPL chiếm 2,1% thị trường thương mại điện tử toàn cầu trong năm 2021, tương đương khoảng 97 tỷ USD .
Tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi, lên 4,2% trong năm 2024, theo dự báo của Worldpay.
“Dịch vụ không yêu cầu nhà phát triển làm gì thêm. Apple Pay Later được tích hợp sẵn vào Apple Pay”, Corey Fugman, Giám đốc điều hành của Apple Pay và Wallet, khẳng định tại sự kiện WWDC 2022.
Đối với người tiêu dùng, sức hấp dẫn của hình thức “mua trước, tiền trả sau” là không thể phủ nhận. Nắm bắt được xu hướng này, Apple đã cho ra mắt Apple Pay Later, cạnh tranh trực tiếp với PayPal, Affirm, Klarna và Sezzle tại Mỹ.
Ngay sau công bố của Apple, cổ phiếu của Affirm, một trong những công ty cung cấp dịch vụ BNPL lớn nhất, đã giảm 5%.
Apple còn dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt một hệ thống thanh toán mới trong tháng tới, hỗ trợ người dùng giao dịch giao dịch một chạm bằng chính chiếc iPhone của mình. Lúc đó, iPhone sẽ vừa là thẻ tín dụng, vừa là máy quẹt thẻ của người dùng.
Tầm nhìn dài hạn của Apple
Inc cho rằng việc Apple tham gia vào thị trường BNPL không chỉ là vì lợi nhuận trước mắt. Apple giữ lại khoảng 0,15% giá trị mỗi giao dịch thực hiện qua Apple Pay, con số không quá lớn. Chính mức phí thấp là lý do nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính sẵn sàng hợp tác với Apple khi phát triển Apple Pay.
Trên hết, hãng muốn dòng thiết bị iPhone của mình có nhiều tính năng hơn. Một khi tính năng thanh toán được phát triển hàng loạt, người dùng sẽ càng gắn bó với hệ sinh thái của Táo khuyết và sẵn sàng chi tiền cho những chiếc iPhone mới nhất để sở hữu những tiện ích này.
Dù vậy, theo CNBC, tính năng “Thanh toán sau” của Wallet lại ra đời khi nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Lạm phát ngày một cao, giá xăng dầu cũng tăng phi mã. Do đó, đây sẽ là một khoảng thời gian khó khăn cho Apple bởi người dùng sẽ ngần ngại chi tiền để mua sắm trong thời gian tới.
Nhiều người dùng cũng cho biết sau thời kỳ đại dịch, họ không còn mặn mà với dịch vụ này bởi e ngại phải ôm thêm một khoản nợ khi giá cả dịch vụ hàng hóa ngày một tăng cao.
Nhưng với Apple, những tiềm năng sẵn có đã giúp hãng sở hữu nhiều ưu thế trong lĩnh vực này. Tập đoàn sẽ ít chịu rủi ro hơn so với các dịch vụ khác vì đã có sẵn thông tin thanh toán của người dùng thông qua Apple Pay.
Đồng thời, iPhone là dòng smartphone được ưa chuộng trên toàn cầu. Điều này sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng cho dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” của Apple.
Về phía khách hàng, với chiếc iPhone trong tay, họ sẽ có thể sử dụng Apple Pay Later mọi lúc, mọi nơi miễn có chấp nhận thanh toán qua Apple Pay. Do là ứng dụng phổ biến nên Apple Pay đã có mặt trên hầu hết tài khoản thương mại khác nhau.
Theo số liệu của Apple, 85% các nhà bán lẻ đã xuất hiện trên ứng dụng Apple Pay. Do đó, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có thể dễ dàng đăng ký mà không cần thông qua các thủ tục rườm rà như các dịch vụ cho vay khác.
"Với lợi thế hơn 1 tỷ thiết bị của Apple, sẽ có nhiều người dùng các sản phẩm mới của họ", cây viết Steve Kovach của CNBC nhận định.