Apple đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc từ trước dịch. Những gián đoạn vì làn sóng Covid-19 mới thôi thúc nhà sản xuất iPhone tính đến các lựa chọn khác.
Theo nguồn tin Wall Street Journal, Apple nói với các nhà cung cấp rằng họ muốn thúc đẩy sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam. Một trong những lý do là các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc.
Hơn 90% sản phẩm của Apple từ iPhone, iPad đến MacBook được sản xuất tại Trung Quốc. Theo giới phân tích, sự phụ thuộc của hãng này vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc là một rủi ro tiềm tàng.
Việc Apple - công ty Mỹ giá trị nhất - muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến những công ty phương Tây khác, vốn đang cân nhắc giảm sự phụ thuộc về sản xuất và nguồn cung các nguyên liệu quan trọng tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Rủi ro tiềm tàng
Trên thực tế, Apple đã tìm cách chuyển một phần dây chuyền ra khỏi Trung Quốc từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng các kế hoạch bị cản trở bởi đại dịch.
Việc Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều thành phố khác nhằm theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) đã gây ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp phương Tây.
Hồi tháng 4, Apple cảnh báo rằng đợt bùng dịch mới có thể khiến doanh số bán hàng sụt giảm 8 tỷ USD trong quý II. Những hạn chế đi lại của Trung Quốc khiến Apple khó cử các giám đốc điều hành và kỹ sư đến nước này trong 2 năm qua, khiến việc giám sát điểm sản xuất trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết nhiều lý do khiến Apple từ lâu đã xem Trung Quốc làm trung tâm sản xuất, bởi lực lượng lao động được đào tạo bài bản, chi phí thấp so với Mỹ và mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện sâu rộng, khó có thể nhanh chóng thiết lập ở những nơi khác.
Ngoài Ấn Độ, lực lượng lao động có trình độ ở Trung Quốc vượt quá toàn bộ dân số của nhiều quốc gia thay thế ở châu Á.
Thêm vào đó, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Apple để đảm bảo rằng những nhà lắp ráp có đủ đất đai, lao động và nguồn linh kiện chế tạo iPhone và các thiết bị điện tử khác.
Hôm 19/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh muốn nước này trở thành điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài. Giới chức Trung Quốc cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp nước ngoài để tránh những thay đổi đột ngột về chính sách.
Một lợi thế khác là Apple có thể bán nhiều điện thoại và máy tính sản xuất tại chỗ. Trung Quốc thường chiếm khoảng 20% doanh số toàn cầu của hãng.
"Với quy mô thị trường nội địa và hệ sinh thái sản xuất tốt, Trung Quốc sẽ ở vị trí dẫn đầu và xử lý nhiều công việc giá trị gia tăng hơn cho các công ty như Apple", một giám đốc điều hành liên quan đến chuỗi cung ứng của Apple nhận định.
Chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, Apple coi Ấn Độ là lựa chọn thứ 2 sau Trung Quốc nhờ lợi thế về dân số và chi phí.
Các nhà lắp ráp gồm Foxconn Technology Group và Wistron Corp. đã mở nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone chủ yếu cho thị trường nội địa. Tại đây, doanh số bán hàng của Apple đang tăng nhanh.
Apple đang thảo luận với các nhà cung cấp hiện tại về việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, bao gồm khả năng sản xuất để xuất khẩu. Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, Ấn Độ đã sản xuất 3,1% iPhone trên thế giới vào năm ngoái. Tỷ lệ này được dự báo tăng lên 6-7% trong năm nay.
Ngoài ra, theo nguồn tin, các nhà cung cấp Trung Quốc làm ăn với Apple cũng đang cân nhắc Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác.
Nếu điều đó xảy ra, những địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng phát triển thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn, thay vì chỉ làm theo những kế hoạch đã được phát triển ở Trung Quốc.
Wall Street Journal
Việt Nam giáp với Trung Quốc và đã là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Electronics.
Luxshare Precision Industry Co. - nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc - cũng đã sản xuất tai nghe AirPods ở Việt Nam.
Nói với các nhà đầu tư, ban lãnh đạo Luxshare cho biết một số khách hàng đã lo lắng về nguồn cung cấp điện và những hạn chế vì đại dịch ở Trung Quốc. Luxshare không nêu tên khách hàng.
Tuy nhiên, hãng sản xuất cho biết các khách hàng này đã yêu cầu những công ty đối tác cân nhắc chuyển hướng sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn giới thiệu sản phẩm mới, còn gọi là NPI.
Trong giai đoạn này, các nhà thầu chuyển những bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm thành một kế hoạch sản xuất chi tiết.
Nói với các công ty sản xuất đối tác của mình, Apple tuyên bố muốn tiến hành nhiều NPI hơn ở bên ngoài Trung Quốc.
Nếu điều đó xảy ra, những địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng phát triển thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn, thay vì chỉ làm theo những kế hoạch đã được phát triển ở Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích và nhà cung cấp, những động thái này đòi hỏi các nhà cung cấp bỏ số tiền đáng kể để đầu tư. Điều này không dễ dàng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám bởi giá cả hàng hóa tăng cao, tình hình chiến sự ở Ukraine và những biến động trên thị trường chứng khoán.
"Tính thanh khoản rất quan trọng khi tình hình bất ổn. Nhưng các nhà cung cấp cần đi theo Apple nếu muốn duy trì hoạt động kinh doanh", Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành của một công ty sản xuất bình luận.