Mới đây, nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities đã tiết lộ kế hoạch giảm sản xuất iPhone và iPad ở các nhà máy Trung Quốc của Apple. Cụ thể, chuyên gia cho rằng hãng công nghệ sẽ điều chỉnh chiến lược quản lý chuỗi cung ứng để đối phó với xu hướng phi toàn cầu hóa.
Táo khuyết dự tính chuyển dần khâu sản xuất iPhone sang Ấn Độ và tăng số MacBook gia công ở Thái Lan. Quy trình này sẽ mất một thời gian dài để hoàn thành. Nhưng Kuo dự tính sớm nhất là khoảng 3-5 năm đến, các nhà máy này sẽ chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ thiết bị Apple bán ra tại Mỹ.
“Trong vòng 3-5 năm tới, thị trường Mỹ sẽ nhập hàng iPhone từ các nhà máy nằm ngoài Trung Quốc để giảm thiểu ảnh hưởng từ các căng thẳng chính trị”, ông chia sẻ trên Twitter cá nhân.
Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, 80% lượng iPhone 14 được sản xuất ở Ấn Độ chỉ đủ để phục vụ thị trường nội địa. Do đó, Kuo cho rằng Apple sẽ yêu cầu các xưởng sản xuất nội địa như Tata Group và đối tác Pegatron, Wistron tăng sản lượng iPhone tại đây.
Hãng công nghệ tin rằng sự hợp tác giữa Tata Group và các nhà sản xuất linh kiện theo hợp đồng như Pegatron sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của lượng iPhone được gia công bên ngoài Trung Quốc. Apple còn lựa chọn Thái Lan trở thành nơi sản xuất MacBook chính thay thế quốc gia tỷ dân, chuyên gia của TF International Securities cho biết.
Còn với kế hoạch dài hạn, Apple dự tính chỉ bán thiết bị được sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường nội địa. Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ nhập khẩu sản phẩm từ các xưởng sản xuất bên ngoài.
Khi đó, tất cả đối tác, dù ở Trung Quốc hay ở nước khác, đều có thể tham gia vào kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, còn gọi là NPI (New Product Introduction). Trong giai đoạn này, các nhà cung ứng cùng làm việc với Apple để phác thảo quy trình sản xuất, đưa thiết bị từ bản vẽ ra đời thực để gia công hàng loạt.
Theo PhoneArena, việc chuyển dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc chính là khởi đầu để hãng công nghệ giảm phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân. Ngoài Ấn Độ, nhiều nước đã được Apple cân nhắc để hợp tác gia công iPhone như Việt Nam, Mexico…
Song, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, số lượng thiết bị công nghệ cùng với trình độ nhân công ở các nước khác là những yếu tố Táo khuyết cần cân nhắc trước khi rời khỏi Trung Quốc.
Quá trình thay đổi chuỗi cung ứng sẽ có thể gặp phải nhiều thách thức và thậm chí là trả giá đắt. Tuy nhiên, bước đi này sẽ có lợi cho Apple vì tránh được những căng thẳng chính trị và lệnh giãn cách gắt gao do dịch Covid-19 ở Trung Quốc, PhoneArena nhận định.