Ngày 25/1, Apple chia sẻ loạt thay đổi lớn với App Store và nhiều dịch vụ tại Liên minh châu Âu (EU). Lần đầu tiên người dùng iPhone và iPad có thể cài kho ứng dụng bên thứ 3 để tải app và game, bên cạnh những cập nhật quan trọng khác.
Theo New York Times, những thay đổi về App Store bắt nguồn từ đạo luật được EU thông qua năm 2022.
Có tên Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act - DMA), bộ luật nhằm nới lỏng quyền lực của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin.
Trước Apple, những cái tên lớn như Amazon, Meta, Google hay Microsoft đã công bố các thay đổi để tuân thủ đạo luật mới.
App Store tại châu Âu sẽ rất khác
Theo The Verge, người dùng tại EU có thể tải kho ứng dụng thay thế từ website của nhà phát triển. Để cài đặt, kho ứng dụng cần trải qua quy trình phê duyệt của Apple. Khi cài xong, người dùng có quyền chọn chúng làm kho ứng dụng mặc định.
Apple vẫn duy trì giám sát các kho ứng dụng và app tải từ nguồn ngoài. Tuy nhiên, công ty nhấn mạnh chính sách mới của EU sẽ mở ra con đường cho kẻ xấu phát tán phần mềm độc hại và lừa đảo.
Để giảm thiểu rủi ro, Táo khuyết phát triển hệ thống giám sát toàn bộ ứng dụng iOS, có tên Notarization. Mỗi app sẽ chứa mã cài đặt để Apple nắm rõ ngày cài đặt và quét mã độc.
Trước khi tải xuống, ứng dụng sẽ cung cấp lời giới thiệu, ảnh chụp màn hình và tên nhà phát triển cho người dùng.
Tại châu Âu, nhà phát triển sẽ bị tính phí 0,5 euro cho mỗi lượt tải app (trên mỗi thiết bị trong một năm) sau khi đạt mốc một triệu lượt tải. Mức phí này gọi là Core Technology Fee (CTF), ngoại lệ gồm ứng dụng phát hành bởi chính phủ, tổ chức giáo dục hoặc phi lợi nhuận.
Nhà phát triển lựa chọn App Store tại châu Âu sẽ có 2 lựa chọn đóng phí: 30% như cũ, hoặc giảm còn 17% + 3% nếu app sử dụng hệ thống thanh toán của Apple. Trong trường hợp phát hành ứng dụng qua nguồn ngoài, nhà phát triển sẽ không phải đóng phí.
Nếu muốn phát hành kho ứng dụng, nhà phát triển sẽ phải cung cấp bằng chứng đủ khả năng hỗ trợ lập trình viên và khách hàng, bao gồm thư tín dụng dự phòng trị giá 1 triệu euro. Họ cũng phải chịu phí CTF ngay từ đầu.
Không cần dùng Safari và Apple Pay
Apple cũng mở quyền sử dụng chip NFC, cho phép các ngân hàng và công ty thanh toán tại châu Âu phát hành dịch vụ thay thế Apple Pay, có thể kích hoạt bằng cách nhấn giữ nút nguồn.
Các trình duyệt bên thứ 3 có thể sử dụng "bộ não" của riêng họ (ví dụ như Chromium hay Gecko) thay vì hoàn toàn dựa trên WebKit. Người dùng có quyền tải và chọn trình duyệt mặc định ngay trong lần đầu sử dụng Safari.
"Thay đổi này là kết quả từ những yêu cầu của DMA, nghĩa là người dùng EU sẽ phải đối mặt danh sách những trình duyệt mặc định, trước khi họ có cơ hội hiểu các lựa chọn có sẵn.
Màn hình này cũng làm gián đoạn trải nghiệm của người dùng EU khi lần đầu mở Safari với ý định duyệt web", Apple bày tỏ thái độ không bằng lòng khi giới thiệu những tính năng mới.
Hãng cũng từ chối tuân theo một số quy định trong đạo luật mới của EU, bao gồm mở dịch vụ nhắn tin iMessage để hoạt động tốt hơn với thiết bị Android.
Apple cho rằng iMessage miễn phí, nên không phải áp dụng quy định. Trước đó, cơ quan này liệt kê App Store, trình duyệt Safari và hệ điều hành iOS là những "dịch vụ nền tảng cốt lõi" cần thay đổi để tuân thủ quy định mới.
Một thay đổi khác dành cho người dùng toàn cầu, đó là App Store sẽ cho phép phát hành ứng dụng stream game từ đám mây. Điều đó đồng nghĩa các dịch vụ như GeForce Now, Xbox Cloud Streaming có thể tải và cài lên iPhone như ứng dụng đầy đủ, thay vì chỉ truy cập trên trình duyệt.
Theo Apple, những thay đổi sẽ được áp dụng tại châu Âu trong bản cập nhật iOS 17.4 phát hành vào tháng 3, trùng thời điểm DMA có hiệu lực.
Miễn cưỡng thay đổi
Từ khi ra đời vào năm 2008, App Store được Apple kiểm soát chặt chẽ về kiểm duyệt nội dung và hệ thống thanh toán trong app. Do đó, việc tuân thủ quy định của EU buộc Táo khuyết đưa ra loạt thay đổi lớn dành cho kho ứng dụng này.
"Những thay đổi được chúng tôi công bố hôm nay nhằm tuân thủ các yêu cầu của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số tại Liên minh châu Âu, trong khi vẫn giúp bảo vệ người dùng EU khỏi các mối đe dọa về quyền riêng tư, bảo mật vốn không thể tránh từ quy định này", lãnh đạo App Store Phil Schiller cho biết.
Châu Âu chiếm khoảng 6% tổng doanh thu App Store hàng năm của Apple, tương đương 24 tỷ USD. Từ lâu, cơ quan quản lý tại đây đã cảnh báo việc Táo khuyết lạm dụng quyền kiểm soát App Store nhằm hạn chế cạnh tranh.
Táo khuyết lập luận rằng những chính sách nhằm bảo vệ người dùng khỏi phần mềm độc hại, xâm phạm quyền riêng tư và ứng dụng lừa đảo. Tuy nhiên, một số nhà phát triển như Spotify hay Epic Games cho rằng Apple lạm dụng quyền lực khi đòi hỏi phí 30%, buộc sử dụng hệ thống thanh toán do Táo khuyết tạo ra.
Ngoại trừ chính sách về ứng dụng stream game, những thay đổi khác cho App Store và iOS sẽ không được áp dụng cho người dùng ngoài khu vực EU. Apple cho rằng đây "không phải hệ thống an toàn nhất cho người dùng".
"Chúng tôi hiểu rất rõ các mối đe dọa mới mà DMA đưa ra, gồm gia tăng rủi ro về phần mềm độc hại, gian lận và lừa đảo, nội dung bất hợp pháp và phản cảm, cũng như giảm khả năng phản ứng, gỡ ứng dụng độc hại của Apple.
Những thay đổi do DMA yêu cầu cũng liên quan đến các công nghệ và quy trình mới chưa được thử nghiệm, và có thể cần phát triển thêm...
Tại EU, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số yêu cầu chúng tôi thay đổi công thức đã phục vụ rất tốt cho người dùng và nhà phát triển - những thay đổi mang đến lựa chọn và rủi ro mới", đại diện công ty cho biết.