Việc bị Nga siết nguồn cung ứng khí đốt đang đặt ra cho châu Âu những thách thức nan giải. Điều này cũng đặt ra những câu hỏi lớn về tham vọng chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trong khu vực
Dưới đây là 3 biểu đồ thể hiện sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng này, theo CNBC:
Nga siết nguồn cung khí đốt
Nga đã giảm đáng kể dòng chảy khí tự nhiên sang châu Âu kể từ khi các quốc gia phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào quốc gia này sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2.
Moscow phủ nhận việc dùng khí đốt làm “vũ khí”, trong khi các nước châu Âu chỉ trích Gazprom – tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga – không còn là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Nguồn cung khí đốt từ Nga giảm là một vấn đề lớn đối với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khi mà Nga cung ứng cho 40% nhu cầu khí đốt của khối.
Dữ liệu từ Nord Stream – công ty vận hành đường ống Nord Stream 1 nối liền từ Nga sang Đức – cho thấy dòng chảy khí đốt từ Nga sang phương Tây đã giảm đáng kể. Tuần trước, lượng khí đốt qua Nord Stream 1 đã bị giảm về 20% công suất đường ống, từ mức 40% trước đó, với lý do kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, nói rằng “lời bào chữa rằng có vấn đề kỹ thuật của Gazprom như một trò hề". Cung ứng khí đốt từ Nga sang Đức đã bị tạm dừng trong 10 ngày để bảo trì định kỳ đường ống trước khi giảm về mức 20%.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, hiện 12 quốc gia thành viên EU đã chứng kiến dòng chảy khí đốt từ Nga sụt giảm và một số nước khác bị cắt hoàn toàn.
Các quan chức hàng đầu EU cáo buộc Nga “tống tiền” châu Âu và “vũ khí hóa” việc cung ứng khí đốt. Trong khi đó, điện Kremlin khẳng định Nga là một nhà cung cấp đáng tin cậy và việc nguồn cung khí đốt sang châu Âu giảm là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và vấn đề kỹ thuật.
“Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc có thể bị cắt khí đốt hoàn toàn trong tương lai và điều này đồng nghĩa chúng ta cần có một kế hoạch ngay”, ủy viên về năng lượng EU, bà Kadri Simson, nói với CNBC tuần trước.
Các nhà lãnh đạo châu Âu lo sợ sẽ bị cắt hoàn toàn nguồn khí đốt, đặc biệt là bởi nhiều ngành công nghiệp của khu vực này sử dụng khí đốt như một nguyên liệu thô đầu vào trong quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh này, nhiều nước đã nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp và nguồn cung năng lượng thay thế. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này không phải một nhiệm vụ dễ dàng và càng không thể thực hiện trong một thời gian ngắn.
EC đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU đặt mục tiêu tích trữ khí đốt tối thiểu 80% vào tháng 11 năm nay. Hồi tháng 6, mức tích trữ chỉ đạt hơn 56%.
Giá khí đốt tăng chóng mặt
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng đáng kể sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine và thậm chí trước khi Nga siết dòng chảy cung ứng. Áp lực giá càng được đẩy lên cao mỗi lần Nga có động thái giảm lượng cung ứng cho châu Âu do khí đốt có tầm quan trọng với nhiều ngành công nghiệp và do châu Âu không có nhiều lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch Nga.
“Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đắt hơn rất nhiều so với mức giá bình quân giai đoạn 2015-2019”, nhà kinh tế Salomon Fiedler tại Berenberg, cho biết. “Trong một năm bình thường, EU có thể sử dụng 4,3 tỷ megawatt giờ (MWh) khí đốt tự nhiên. Vì vậy, nếu giá tăng thêm 100 Euro/ MWh trong một năm và EU phải trả mức giá này thay vì được hưởng lợi từ các hợp đồng giá cố định dài hạn, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 430 tỷ Euro (437 tỷ USD) – tương đương 3% GDP năm 2021 của EU”.
Giá tăng sau đó “tấn công” hóa đơn năng lượng của các công ty và hộ gia đình trong khối. Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng 15% lên gần 200 Euro/MWh, làm dấy lo ngại rằng người tiêu dùng và các ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải vật lộn để thanh toán hóa đơn năng lượng của mình và châu lục này sẽ trải qua mùa đông sắp tới trong cơn suy thoái – theo các nhà phân tích tại hãng tư vấn Eurasia Group.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm
Với nguồn cung bị thắt chặt và giá cả tăng cao, cuộc khủng hoảng khí đốt đang kéo tụt triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả châu Âu.
Theo báo cáo công bố thứ Sáu tuần trước, tăng trưởng GDP của châu Âu đạt 0,7% trong quý 2/2022, vượt mức dự báo của cá nhà phân tích. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng châu lục này sẽ xảy ra suy thoái trong năm 2023.
Đầu tháng này, EC dự báo kinh tế EU tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 1,5% vào năm sau. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng việc Nga cắt hoàn toàn khí đốt cho châu Âu sẽ đẩy châu lục này rơi vào suy thoái trong năm 2022.
“Giá khí đốt tăng làm tăng chi phí của các công ty và thắt chặt túi tiền của người tiêu dùng, khiến họ ít chi tiêu cho các loại hàng hóa, dịch vụ không thiết yế. Do đó, chúng tôi dự báo khu vực đồng tiền chung Euro (còn gọi là Eurozone) sẽ suy thoái trong mùa thu năm nay với lạm phát vẫn ở mức cao”, ông Fiedler nói.