Trong phiên giao dịch cuối tuần 16/9, nhóm 3/7 cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC Group còn hoạt động tiếp tục ghi nhận cảnh bán tháo khi các mã này giảm kịch sàn với khối lượng lớn.
Cụ thể là mã AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone rơi về 1.970 đồng, ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS xuống 3.000 đồng và KLF của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu CFS chỉ còn 1.800 đồng. Tổng khối lượng khớp lệnh là hơn 20 triệu cổ phiếu và còn hàng trăm nghìn đơn vị khác tranh bán giá thấp nhất.
Cổ phiếu "xanh sàn" sau khi HoSE ra quyết định về việc đưa cổ phiếu AMD vào diện cảnh báo kể từ ngày 21/9. Lý do công ty chậm nộp báo cáo soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Cùng với đó, HNX cũng thông báo đưa 2 mã cổ phiếu ART, KLF vào diện cảnh báo kể từ 15/9. Lý do tương tự do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được soát xét quá 15 ngày so với quy định.
Đồng thời, HNX yêu cầu Công ty Đầu tư Thương mại Xuất khẩu CFS và Công ty Chứng khoán BOS giải trình nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng này.
Như vậy, trong số 7 cổ phiếu của hệ sinh thái này thì ROS bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE, FLC và HAI bị đình chỉ giao dịch, GAB bị đưa vào diện kiểm soát và không có thanh khoản, mới nhất là bộ ba GAB, ART, KLF bị đưa vào diện cảnh báo.
Trở lại với thị trường chung, VN-Index diễn biến khá ảm đạm khi dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên áp lực bán đã lớn dần về cuối ngày do thiếu thông tin hỗ trợ, chỉ số bắt đầu rơi vào trạng thái cắm đầu tìm đáy mới.
VN-Index kết phiên rơi 11,63 điểm (-0,93%) về 1.234 điểm, tương đương vùng giá hồi đầu tháng 8. Trong khi đó HNX-Index lao dốc 6,81 điểm (-2,43%) còn 272,88 điểm và UPCoM-Index mất 0,9% xuống 89,46 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa lao dốc mạnh nhất khi chỉ số VNMID rơi 2,02% và chỉ số vốn hóa nhỏ VNSML giảm 1,68%, trong khi đó nhóm vốn hóa lớn nhất VN30 chỉ giảm 0,8%.
Tác động xấu nhất lên thị trường đến từ nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup. Trong đó riêng VIC rơi 2,2% về còn 62.500 đồng và VHM của Vinhomes giảm 1,5% xuống 59.600 đồng.
Nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng trong tình trạng đỏ lửa có thể kể đến GVR của Tập đoàn Cao su lao dốc 3,5% chỉ còn 24.600 đồng, HPG của Hòa Phát đi xuống 2,5% còn 23.000 đồng, KDH của Khang Điền mất 4,5% hay MWG của Thế giới Di động rơi 2,6% giá trị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến lạ khi hầu hết rơi vào sắc đỏ thì một số ít lại đi ngược như NVB có thời điểm tăng trần hay VCB bất ngờ đảo ngược sang sắc xanh khi tăng giá 1% lên mức cao nhất trong ngày tại 80.000 đồng.
Một số mã đơn lẻ đi ngược khác có thể nhắc đến như VNM của Vinamilk cũng đảo chiều thành công khi tăng vọt 2% lên mức cao nhất ngày tại 76.000 đồng. Cổ phiếu bất động sản NVL và PDR cũng bứt phá trong ngày thị trường đỏ lửa.
Sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên thị trường khi xu hướng bán tháo xuất hiện về cuối ngày. Toàn sàn có đến 757 mã giảm giá, 262 mã tăng giá và chỉ 209 mã đi ngang.
Áp lực "thoát hàng" trước bối cảnh thị trường tài chính quốc tế lao đao cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng trở lại với tổng giá trị giao dịch đạt 17.795 tỷ đồng . Trong đó khớp lệnh sàn HoSE giảm 14.545 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với hôm qua.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia giao dịch tích cực hơn với xu hướng khá cân bằng. Trên sàn HoSE, khối này mua vào 1.435 tỷ và bán ra 1.556 tỷ, tương đương bán ròng 121 tỷ đồng. Các mã bị xả mạnh nhất là STB, VJC và chứng chỉ quỹ E1VFVN30.