Chiếc mũ lưỡi trai in tên chiến dịch tạo ra gần 2 triệu USD tiền gây quỹ. Đồ hoạ: GQ.
Trong cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm Harris-Walz thuộc chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của bà Kamala Harris, các cử tri có thể tìm thấy số lượng lớn áo phông, cốc, poster in ấn những phát ngôn thú vị, hình ảnh châm biếm tràn lan trên mạng xã hội.
Các chính trị gia bắt đầu sử dụng meme như một công cụ gây quỹ, khẳng định sức mạnh của truyền thông mạng xã hội. Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri in dòng chữ “Harris-Walz” vừa hết hàng là minh chứng cho sự thành công của các chính trị gia đảng Dân chủ, theo Vogue Business.
Chiến dịch Harris-Walz tận dụng tốt văn hóa đại chúng trong công tác gây quỹ tranh cử. Ảnh: The New York Times.
Hàng hóa chính trị ‘cháy hàng’
“Chiến dịch Harris-Walz đang sử dụng văn hoá đại chúng để thúc đẩy sự nhận thức và kết nối. Hàng hoá chính trị đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tranh cử”, Sara Arnell, chiến lược gia thương hiệu và giáo sư thỉnh giảng tại Trường Thiết kế Parsons của New York (Mỹ), nói.
Theo nhà báo Elizabeth Holmes, cuộc tranh cử trở nên thú vị và hấp dẫn khán giả trẻ hơn kể từ khi Kamala Harris chuẩn bị thay thế Joe Biden. “Năng lượng tươi trẻ của Kamala giúp hàng hoá chính trị được đón nhận hơn”, Holmes nói.
Sau khi thống đốc Minnesota Tim Walz được công bố là ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ, Harris-Walz trở thành một liên minh, gia tăng sức mạnh tranh cử.
Đến ngày 8/8, chiến dịch đã tạo ra 47.000 chiếc mũ với giá trị gây quỹ tương đương 1.878.524 USD. Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri vốn là phụ kiện yêu thích của Tim Walz.
“Đội ngũ của chiến dịch Harris-Walz tương đối nhạy bén. Họ biết điều gì thịnh hành”, Thomaï Serdari, Giáo sư tiếp thị của Đại học New York (Mỹ), nói.
Sau màu xanh lá lấy cảm hứng từ album Brat, trò đùa khó hiểu về trái dừa, chiếc mũ lưỡi trai in dòng chữ “Harris-Walz” tiếp tục được đón nhận. Những cử tri Gen Z nhanh chóng thể hiện sự yêu thích với món đồ lưu niệm này.
Theo các chuyên gia, đội ngũ đứng sau chiến dịch Harris-Walz thể hiện sự khéo léo trong việc nhắm vào Gen Z, đồng thời linh hoạt thay đổi chủ đề các cuộc trò chuyện trực tuyến, tránh tạo ra sự nhàm chán.
Hơn nữa, Elizabeth Holmes đánh giá rằng Gen Z dễ dàng tiếp nhận trang phục, đồ lưu niệm mang màu sắc văn hóa đại chúng. Họ diện áo phông của Taylor Swift, Beyoncé, mặc trang phục màu hồng đi xem phim Barbie.
Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri yêu thích của Tim Walz "cháy hàng", đem đến bài học lớn cho các thương hiệu. Ảnh: Tim Walz.
Bài học đối với nhãn hàng
Tình trạng “cháy hàng” của chiếc mũ lưỡi trai này cũng được xem là dấu hiệu dự báo số phiếu bầu ấn tượng trong cuộc tranh cử khốc liệt sắp tới.
Theo Sara Arnell, meme thường được thể hiện một cách trào phúng và chân thực. Vì thế, chúng dễ dàng len lỏi vào những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, có khả năng lan tỏa mạnh mẽ.
Từ đó, những hình ảnh, thông điệp chế trở thành sợi dây kết nối các chính trị gia với cử tri, củng cố mối quan hệ này.
Theo góc nhìn của Serdari, thời gian chạy đua ngắn ngủi trở nên có lợi cho Kamala. Văn hoá meme đặc biệt phù hợp với một chiến dịch ngắn hạn, có khả năng hạ nhiệt nếu kéo dài hàng năm.
Khi chiếc mũ Harris-Walz “cháy hàng”, nhiều người bán trên các sàn thương mại điện tử như Etsy hay Ebay bắt đầu sản xuất những phiên bản nhái. Lúc này, mặc dù lợi nhuận không thuộc về quỹ tranh cử, mức độ nhận diện của bà Harris vẫn được nâng cao. Như vậy, lợi ích được chia đều cho đôi bên.
Các thương hiệu lớn chỉ tham gia vào những chiến dịch tranh cử có ý nghĩa lớn đối với họ. Serdari cho rằng các nhãn hàng danh tiếng khá thận trọng. “Họ để chuyện chính trị cho các chính trị gia”, Serdari nói.
Song, thành công của đội ngũ Harris-Walz trong việc nắm bắt các trào lưu trên mạng xã hội và biến chúng thành sản phẩm thực tế là một bài học đáng giá đối với các nhãn hiệu. Sự nhạy bén này có thể mang lại doanh thu lớn.