Theo Kitco, ngân hàng trung ương Ba Lan vừa mua thêm 14,8 tấn vàng trong tháng 4. Đây là lần mua kim loại quý lớn nhất kể từ tháng 6/2019 của quốc gia này.
Việc mua thêm vàng kể trên giúp Ba Lan nâng số lượng tích trữ vàng lên mức 254,5 tấn. Tính từ hồi tháng 6/2019, Ba Lan đã tăng dự trữ kim loại quý thêm 94,9 tấn.
Động thái gia tăng vàng dự trữ của Ba Lan diễn ra sau khi Thống đốc ngân hàng trung ương nước này, Adam Glapinski, công bố kế hoạch bổ sung 100 tấn vàng vào kho chuẩn bị cho những “tình huống bất lợi" có thể xảy ra với nền kinh tế.
“Tại sao chúng tôi nâng tỷ lệ dự trữ vàng. Bởi trong tương lai, bất cứ bối cảnh nào tác động, vàng vẫn là tài sản giữ nguyên được giá trị. Tất nhiên, chúng tôi không cho rằng điều đó xảy ra ngay lập tức. Nhưng ngân hàng trung ương được yêu cầu phải chuẩn bị cho tình huống bất lợi nhất có thể xảy đến. Đó là lý do chúng tôi đánh giá mặt hàng này có vị trí đặc biệt trong kế hoạch quản lý ngoại hối của quốc gia", ông Adam Glapinski lý giải thêm.
Giám đốc điều hành BMO Capital Markets, Colin Hamilton, đưa nhận xét chung về lực mua vàng dự trữ từ các quốc gia trong năm nay vẫn sẽ gia tăng.
Hamilton nói: “Chúng tôi kỳ vọng lực mua của ngân hàng trung ương sẽ tăng khoảng 596 tấn trong năm nay”.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), ngoài Ba Lan, các ngân hàng trung ương khác cũng đã mua vàng trong tháng 4 gồm ngân hàng nhân dân Trung Quốc, ngân hàng quốc gia Cộng hòa Séc và ngân hàng trung ương Mông Cổ với khối lượng lần lượt 8,1 tấn, 1,8 tấn và 1 tấn.
Việc các ngân hàng trung ương mua vàng liên tục là một trong những động lực thúc đẩy giá của mặt hàng kim loại quý này cao hơn trong năm nay.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bán ra 80,8 tấn vàng trong tháng 4. WGC cho biết sau động thái tích trữ vàng liên tục vào năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang bán ra vào tháng 3 và 4 năm nay. Đây là nỗ lực của giới chức nước này nhằm hạn chế nhu cầu nhập khẩu vàng, vốn đang đè nặng lên thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến nhu cầu tích trữ vàng tăng vọt khi người dân nước này coi kim loại quý như một hàng rào chống lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ.