Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng dự án nút giao thông nối tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với đường tỉnh 991 tại cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất triển khai dự án này mới đây.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km gồm 3 dự án thành phần; trong đó dự án thành phần 3 dài 19,5 km đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư, đã được khởi công vào 18/6/2023 vừa qua.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh chỉ có nút giao khác mức hoàn chỉnh với đường đường tỉnh 992 đoạn qua thị xã Phú Mỹ (tuyến đường Phước Hòa - Đá Bạc - Bông Trang) theo dạng nút giao trumpet (còn gọi là nút giao lập thể, là nút sử dụng nhiều tầng tách biệt để dòng lưu thông trên đường này không xung đột trực tiếp với dòng lưu thông trên đường khác – chú thích của người viết), còn nút giao với đường tỉnh 991 (cũng thuộc thị xã Phú Mỹ) là giao thông không có sự kết nối.
Tuy nhiên, theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thì đường tỉnh 991 là một trong hai trục đường tỉnh kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc với tỉnh Bình Thuận. Do đó, theo Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu, việc tỉnh này đầu tư xây dựng nút giao giữa đường tỉnh 991 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là cần thiết.
Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu đã trình bày 3 phương án xây dựng nút giao khác mức, liên thông giữa cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đồng thời đề xuất phương án 2, tức nút giao dạng kim cương hoàn chỉnh với tổng mức đầu tư dự kiến 1.495 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định việc đầu tư xây dựng nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với đường tỉnh 991 là cần thiết để phát triển vùng công nghiệp phía bắc huyện Châu Đức và tổ hợp du lịch - đô thị - công nghiệp thị xã Phú Mỹ theo kế hoạch. Ông Vinh yêu cầu các sở ngành, địa phương cần thực hiện các thủ tục liên quan như bổ sung quy hoạch, xây dựng chủ trương đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho dự án, báo cáo và giải trình khi cần thiết.
Về thời điểm bố trí vốn đầu tư, ông Nguyễn Công Vinh cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét theo tình hình thực tế để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm dự án hoàn thành đúng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, quy mô 4 – 6 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh 6 – 8 làn xe), tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 dài 16 km được thực hiện tại tỉnh Đồng Nai, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2 km đi qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và do Bộ Giao thông vận làm chủ quản.
Đến nay, sau hơn 2 tháng khởi công, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được triển khai rất chậm; trong đó công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện được 6% khối lượng. Dự án có nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cơ bản cuối năm 2025, đưa vào khai thác toàn dự án từ năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.