Kế hoạch ban đầu của bà Liz Truss nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái, đồng thời giữ giá năng lượng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh.
"Liều thuốc" mà vị thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng muốn dùng tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế đã gây xáo động thị trường, khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục và buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải hành động khẩn cấp để ngăn quỹ hưu trí của Anh không bị phá sản, theo Reuters.
Sau khi ông Kwarteng bị sa thải, Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Jeremy Hunt đã thực hiện các bước để ổn định thị trường. Tuy nhiên, điều này tác động tiêu cực đến quyền lực của bà Truss. Viễn cảnh kinh tế mà bà Truss hứa hẹn xây dựng cho nước Anh đã tan thành mây khói.
Sau loạt hỗn loạn, ngày 20/10, Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức và trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh với chỉ 45 ngày tại nhiệm.
"Canh bạc" phản tác dụng
“Khi gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Vương quốc Anh, canh bạc chính trị lớn của bà Liz Truss đã phản tác dụng hoàn toàn”, AFP dẫn lời Susannah Streeter - nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Hargreaves Lansdown - nhận xét. “Sẽ mất một thời gian dài trước khi phần bù rủi ro gắn liền với tài sản của Vương quốc Anh biến mất, sau khoảng thời gian thất bại tài chính theo sau ngân sách ngắn hạn”.
Những biện pháp này khiến thị trường mất niềm tin, từ đó dẫn tới sự sụp đổ của vị chính trị gia 47 tuổi.
Các nhà đầu tư cũng cảm thấy gói ngân sách trái ngược với việc Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất gần đây nhằm làm giảm lạm phát.
"Những tuần gần đây, giới chính trị đã làm suy yếu niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thị trường và các nhà đầu tư toàn cầu ở Anh. Điều này cần phải chấm dứt nếu chúng ta muốn tránh viễn cảnh các hộ gia đình và doanh nghiệp hứng chịu thêm thiệt hại”, Tony Danker, người đứng đầu tổ chức Confederation of British Industry, nói.
Trong khi đó, thị trường dường như “thở phào nhẹ nhõm” sau khi bà Truss từ chức. Đồng bảng Anh tăng vượt mức 1,13 USD trong phiên giao dịch buổi chiều, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm giảm xuống 3,94%. Trước đó, con số này từng vọt lên hơn 5%, mức cao nhất trong 2 thập niên, một phần hệ quả từ ngân sách.
“Sự ổn định là chìa khóa”
Bà Truss từ chức giữa lúc Anh đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm khi giá thực phẩm và hóa đơn nhiên liệu tăng.
Tình trạng hỗn loạn của thị trường Anh chỉ lắng xuống trong tháng này, sau khi Ngân hàng Trung ương Anh can thiệp, mua trái phiếu chính phủ dài hạn và ngăn chặn “thảm họa” tài chính tồi tệ thêm nữa.
Ngày 17/10, ông Hunt đã thực hiện các bước để ổn định thị trường bằng cách loại bỏ toàn bộ gói “Ngân sách ngắn hạn”, bao gồm chính sách cắt giảm thuế thu nhập, tăng thuế doanh nghiệp và mua sắm, miễn thuế VAT cho khách du lịch, theo Guardian.
Ngoài ra, ông Hunt nói thêm kế hoạch giữ mức trần giá năng lượng sẽ chỉ có hiệu lực đến tháng 4/2023, thay vì kéo dài hai năm như dự kiến ban đầu. Sau thời điểm này, chính phủ sẽ thảo luận một kế hoạch mới để đảm bảo giá nhiên liệu sẽ rẻ hơn, ông nói.
Mọi con mắt giờ đây đổ dồn vào cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng Bảo thủ cầm quyền, tìm ra xem ai sẽ là thủ tướng tiếp theo.
“Sự ổn định chính là chìa khóa. Thủ tướng tiếp theo cần phải hành động để khôi phục niềm tin ngay từ những ngày đầu”, ông Danker nói.
"Họ cần đưa ra kế hoạch tài khóa đáng tin cậy cho trung hạn càng sớm càng tốt, và kế hoạch tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế”, ông nói thêm.
Vương quốc Anh dự kiến công bố kế hoạch tài chính trung hạn vào ngày Halloween 31/10, cùng với các dự báo kinh tế độc lập từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh.
Sau đó ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh được cho là sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa. Hiện tại, mức lãi suất cơ bản đã đạt 2,25%, mức cao nhất trong 14 năm qua.