10 năm qua, lạm phát cùng lãi suất ở mức thấp đã tạo dư địa để các chính phủ khắp thế giới chi tiêu hào phóng, đẩy nợ công lên cao chót vót mà không khiến các nhà đầu tư quá lo ngại. Nhưng những ngày tươi đẹp đã qua, và Thủ tướng Anh Liz Truss vừa phải trả giá đắt để học được điều này, theo Wall Street Journal.
Bài học đắt giá của thủ tướng Anh
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đua nhau siết chặt chính sách tiền tệ, giới lãnh đạo các nước giờ khó có thể vay mượn và chi tiêu mạnh tay mà không vấp phải câu hỏi làm thế nào họ có thể trả nợ.
Nguyên nhân bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu hiện nay là bởi chi phí đi vay tăng cao khiến các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời các chính phủ cũng đã mang khoản nợ khổng lồ sau 3 năm chống chọi Covid-19.
Nước Anh trong khoảng thời gian bà Truss là một ví dụ. Trước đại dịch, nợ công của Anh tương đương 80% GDP. Lúc này, tỷ lệ nợ so với GDP đã đạt 99%. Với vị thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử nước Anh, bà đã trả giá đắt vì khoản nợ này.
Bà Truss cùng cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng muốn thúc đẩy kinh tế bằng gói "ngân sách nhỏ gọn", gồm cắt giảm thuế đồng thời chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chi trả hóa đơn năng lượng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng là kiến trúc sư của chính sách đã khiến bà Truss phải từ chức. Ảnh: AP.
Điều mấu chốt trong gói "ngân sách nhỏ gọn" là để có tiền hoạt động, chính quyền bà Truss tiếp tục đi vay thay vì cắt giảm chi tiêu.
Nếu là thời điểm năm 2019 hay 2020, cách làm ấy sẽ không đặt ra quá nhiều hoài nghi. Nhưng lúc này tình thế đã rất khác, thị trường tài chính phản ứng dữ đội với gói "ngân sách nhỏ gọn" của bộ đôi Truss - Kwarteng.
Đồng bảng Anh rơi xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử, trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo trên thị trường, các quỹ lương hưu đứng trước bờ vực vỡ nợ, theo Bloomberg. Sự hỗn loạn khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải vào cuộc và tung ra hàng tỷ USD để ổn định thị trường trái phiếu.
"Đây là sự kết hợp của một chính sách tài khóa sai lầm vào sai thời điểm, một cam kết (chi tiêu hàng chục tỷ USD) không có gì bảo đảm giữa lúc lãi suất đang tăng chóng mặt", Jonathan Portes, giáo sư kinh tế Đại học King's College London, nói.
Trong cơn hỗn loạn, bà Truss đã phải rút lại chính sách gây tranh cãi, đồng thời sa thải Bộ trưởng Kwarteng. Nhưng thiệt hại gây ra thì không thể đảo ngược, uy tín của tân thủ tướng lao dốc nhanh chưa từng có, cuối cùng bà Truss bị chính các thành viên đảng Bảo thủ buộc phải từ chức.
Sức mạnh của thị trường
Các chuyên gia kinh tế cho rằng không phải lúc nào cắt giảm chi tiêu thay vì đi vay cũng là điều đúng đắn.
Giáo sư Portes nhận định nước Anh từng sai lầm khi thắt lưng buộc bụng trong những năm sau 2012 bởi lãi suất khi đó ở mức rất thấp. Lúc này, bà Truss lại sai lầm khi vay nợ giữa thời điểm lãi suất cao kỷ lục.
Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã lật ngược gần như tất cả chính sách của người tiền nhiệm Kwarteng, bãi bỏ kế hoạch cắt giảm thuế, đồng thời hứa hẹn sẽ giảm mạnh chi tiêu để đưa nợ công vào tầm kiểm soát.
Thị trường lập tức phản ứng tích cực khi đồng Bảng Anh tăng giá trở lại, đồng thời chi phí vay nợ giảm mạnh.
Có thể dễ dàng nhận thấy chính sách tài khóa của bà Truss đã thất bại như thế nào chỉ bằng cách quan sát diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Anh, tức chi phí vay nợ của chính phủ.
Thị trường tài chính Anh phản ứng dữ dội sau khi chính sách thuế được ông Kwarteng công bố. Ảnh: Reuters.
Trước khi bà Truss nhậm chức, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm là 2,882%, so với mức 3,264% của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Khi kế hoạch cắt giảm thuế được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng vọt lên mức cao hơn trái phiếu chính phủ Mỹ khoảng 0,5 điểm %. Đi kèm với mức tăng chi phí vay nợ là các rắc rối trên thị trường lương hưu.
Sau khi chính phủ Anh từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh một lần nữa giảm xuống thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Mỹ, theo Reuters.
"Đây là bài học đắt giá cho đảng Bảo thủ, cũng như các chính phủ khắp thế giới, về sức mạnh của thị trường. Nếu thị trường không hài lòng, họ có thể bán tháo trái phiếu chính phủ và khiến chi phí đi vay tăng vọt", Susannah Streeter, chuyên gia phân tích đầu tư từ tập đoàn dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng các kế hoạch cắt giảm thuế được công bố cũng đóng góp vào phản ứng dữ dội của thị trường. Thông thường, thay đổi về chính sách thuế đi kèm ý kiến kiểm tra của các tổ chức giám sát ngân sách độc lập.
Thế nhưng, cựu Bộ trưởng Kwarteng đã không tuân theo truyền thống này, đồng thời cho rằng có thể cắt giảm thuế hơn nữa ngay cả khi các nhà đầu tư lo ngại việc cắt giảm thuế có thể khiến London phải bán thêm nhiều trái phiếu hơn.
Khó khăn chờ đợi nước Anh
Trên thị trường trái phiếu, uy tín là thứ một khi đã tiêu tan thì mất rất nhiều công sức để lấy lại.
"Bất cứ ai tiếp quản ghế thủ tướng từ bà Truss nhiều khả năng sẽ phải siết chặt chính sách tài khóa trong kế hoạch tài chính trung hạn, chứ không thể đơn giản chỉ là đảo ngược những sai lầm, nhằm chứng minh cho thị trường thấy", Pau Dales, chuyên gia tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics, nói.
Dù London đã đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế, các chuyên gia kinh tế dự đoán chính phủ Anh sẽ phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế tương đương từ 34-45 tỷ USD để đạt mục tiêu tài khóa, mục tiêu quan trọng nhất là giảm quy mô nợ công.
Thủ tướng Liz Truss thông báo quyết định từ chức hôm 21/10. Ảnh: Reuters.
Một số lựa chọn mà London có thể xem xét là áp thuế bổ sung với lợi nhuận của các công ty năng lượng - vốn đang ăn nên làm ra khi giá dầu mỏ và khí đốt ở mức cao ngất ngưởng, hoặc các ngân hàng - nhóm thu lợi lớn nhờ lãi suất ở mức cao.
Bên cạnh đó, chính phủ Anh có thể phải kéo dài thời gian giải ngân số tiền dùng cho chi tiêu quốc phòng hoặc tạm dừng một số dự án đầu tư.
Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu chính quyền mới có tăng phúc lợi tương ứng với đà đi lên của tỷ lệ lạm phát. Trong tháng 9, lạm phát đạt 10,1% so với cùng kỳ 2021.
Nếu không tăng phúc lợi, chính phủ của đảng Bảo thủ có thể tiết kiệm hàng tỷ USD, nhưng đổi lại sẽ mất sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh các đảng đối lập đồng loạt kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.
Một bài học đắt giá từ nhiệm kỳ chóng vánh của bà Truss là trong thời kỳ lạm phát tăng cao, mọi nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công đều có thể khiến ngân hàng trung ương phải hành động.
Ngân hàng Trung ương Anh cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản cao hơn mức dự tính trước khi kế hoạch giảm thuế được công bố. Điều này sẽ gia tăng gánh nặng tài chính lên các hộ gia đình và doanh nghiệp.