Đây là cây cầu có ý nghĩa quan trọng, hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Cầu Kinh Dương Vương là cây cầu thứ 6 vượt sông Đuống, sau cầu Đuống, Đông Trù, Phù Đổng, Bình Thanh và cầu Hồ.
Cầu Kinh Dương Vương hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Hồ thường xuyên ùn tắc; đồng thời, kết nối các tuyến Quốc lộ 1 - Quốc lộ 17 - đường tỉnh 287 - Quốc lộ 38 - Quốc lộ 18.
Cầu Kinh Dương Vương có chiều dài 1.232m; tổng mức đầu tư hơn 1.926 tỷ đồng. Đây là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam, khoảng cách từ mặt cầu lên tới đỉnh vòm từ 40-67 m, với 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S.
Từ đó, góp phần rất quan trọng nhằm hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng Thủ đô; tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh và khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung.
Đây cũng là nhịp cầu kết nối các khu di tích lịch sử như Lăng và Đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, chùa Dâu và chùa Phật Tích, Đền Đô... và nhiều di tích khác đã được Nhà nước xếp hạng, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Ninh phát triển du lịch và dịch vụ.
Theo thiết kế, phần thân cầu được làm bằng bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu; mặt cắt ngang cầu rộng 22,5 m, thiết kế 4 làn ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2 m, cầu chính dài 440 m, cầu dẫn hai bên dài hơn 796 m.
Điểm nhấn của phương án kiến trúc cầu Kinh Dương Vương là chi tiết đầu rồng được nghiên cứu thiết kế cách điệu vừa có tính thẩm mỹ và hiệu quả về kết cấu, thân thiện môi trường.
Giữa hai đầu rồng là quả cầu tượng trưng mặt trời có thiết kế kết cấu khung thép không gỉ và kính cường độ cao vừa sử dụng làm đài quan sát trên cao vừa phục vụ một số lượng hạn chế quan khách và công tác duy tu, bảo trì.
Cổng chào được thiết kế cách điệu với hình tượng rồng thời Lý trên phiến đá đặt hai đầu cầu. Vị trí lề bộ hành mở rộng phục vụ khách tham quan ngắm cảnh và 4 cầu thang đi bộ kết nối lề bộ hành trên cầu với công viên Phật Tích và lăng Kinh Dương Vương.
Trong quá trình thi công, do điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn, kết cấu phức tạp, lần đầu tiên công nghệ thi công cầu được triển khai áp dụng tại Việt Nam nên chủ đầu tư, các nhà thầu phải đề xuất điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thiết bị trong nước hiện có.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công xây dựng; đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động đã làm việc không quản ngày đêm, xây dựng công trình bảo đảm chất lượng, mỹ thuật; đồng thời, ghi nhận sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, các địa phương và hộ dân có dự án đi qua.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức bàn giao công trình đưa vào quản lý, khai thác, phục vụ người dân; có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông đối với người và các phương tiện lưu thông trên cầu, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình.
Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, giao đơn vị quản lý, khai thác công trình hiệu quả, thiết thực; thực hiện công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng để công trình luôn trong trạng thái tốt, trở thành điểm nhấn, một biểu tượng mới, một điểm đến của tỉnh Bắc Ninh.