Gần đây nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh đã treo biển xả kho giảm giá sốc đến 50%, một số khác treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp. Một loạt thay đổi diễn ra sau khi lãnh đạo doanh nghiệp thông báo sẽ tái cấu trúc mạnh tay hệ thống bán hàng này.
Tính đến ngày 14/7, website bán hàng của Bách Hóa Xanh chỉ còn hiển thị 1.824 cửa hàng hoạt động. Con số này đã giảm đi 316 địa điểm so với lúc cao điểm có đến 2.140 cửa hàng vào cuối tháng 4.
Tái cấu trúc mạnh tay
Việc hàng loạt cửa hàng đóng cửa, nâng cấp khiến người tiêu dùng và giới đầu tư đặt câu hỏi về toan tính chiến lược của Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này khẳng định không có chuyện đóng cửa toàn bộ mà đang sắp xếp lại theo tiêu chí mới.
Theo đó một số cửa hàng hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng bộ tiêu chí mới về cách bố trí, diện tích, chi phí thuê mặt bằng... sẽ bị thanh lý và đóng cửa.
Hồi giữa tháng 5, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG (công ty mẹ Bách hóa Xanh), từng thông tin Bách Hóa Xanh sẽ tạm ngưng mở rộng trong năm nay để tập trung cải thiện hiệu quả từng điểm bán, chăm sóc khách hàng, xây dựng đội ngũ để quay lại mở rộng toàn quốc từ năm 2023.
Vị này cho biết chỉ có hơn 50% trong tổng số 2.100 cửa hàng vào giữa tháng 5 đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty sẽ rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.
Trong giai đoạn đầu (tháng 4 và 5), Bách Hóa Xanh đã triển khai việc thay đổi layout (cách bố trí) cho hàng loạt cửa hàng từ cuối tháng 4 đến nay, chuẩn hóa diện tích, chỉ tập trung vào khoảng 2.000-3.000 mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao và thường xuyên, thay đổi trang trí và nhận diện.
Tiếp đến trong quý III, toàn bộ số cửa hàng hiện hữu sẽ hoạt động với layout mới. Lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ tiếp tục rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng mã sản phẩm tại cửa hàng.
Giai đoạn cuối cùng trong quý IV sẽ hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end (dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng cửa hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ...) với mục tiêu đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng /cửa hàng, đồng thời phát triển mạnh kênh online để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Thời điểm Bách Hóa Xanh tiến hành tái cấu trúc khá đặc biệt khi chuỗi kinh doanh này sắp chạm ngưỡng doanh thu 30.000 tỷ đồng - một con số cũng gây rất nhiều khó khăn cho các ông lớn bán lẻ tiêu dùng khác.
Ngưỡng khó 30.000 tỷ đồng
Thị trường bán lẻ thực phẩm vẫn được xem là đại dương xanh khi có quy mô rất lớn nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các chợ truyền thống, cửa hàng hiện đại cũng đang phân mảnh bởi chưa có nhiều đơn vị có vị thế chi phối thị trường.
Dữ liệu từ Kantar cho thấy sau đại dịch thị phần FMCG kênh siêu thị mini tăng mạnh lên 10%, gần gấp đôi mức 5-6% trước tháng 5/2021. Giá trị chi tiêu theo kênh siêu thị cũng tăng trưởng 20% ở các thành phố trọng điểm và 32% ở khu vực nông thôn, cho thấy sự chuyển dịch sang các kênh hiện đại.
Dù vậy, điều ngạc nhiên là hầu hết chuỗi bách hóa hiện đại đều chững lại ngay ngưỡng cửa doanh số 30.000 tỷ đồng , mặc cho quy mô thị trường vẫn đang rất rộng mở và cơ hội chiếm lấy thị phần cao từ chợ truyền thống.
Chẳng hạn hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ của Wincomerce chỉ mất 3 năm để tăng tốc từ doanh thu 17.000 tỷ lên gần 31.000 tỷ vào năm 2020. Tuy nhiên, ngưỡng cản ngưỡng khiến chuỗi này ngừng lại khi giảm nhẹ về 30.900 tỷ đồng trong năm 2021.
Nhà bán lẻ lâu đời Saigon Co.op cũng sớm tiếp cận cột mốc 30.000 tỷ doanh thu vào năm 2017 nhưng sau đó hạ nhiệt khi chỉ tăng trưởng dưới một con số, trong khi các đối thủ mới vươn lên mạnh mẽ.
Đến năm 2021, Saigon Co.op vẫn chỉ thu về 30.671 tỷ đồng trong năm ngoái, giảm 7,8% so với năm liền trước. Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Đức lý giải cho việc "quanh quẩn" ở doanh thu trên 30.000 tỷ đồng là ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài làm doanh thu ngành bán lẻ suy giảm so với cùng kỳ.
Đối thủ sừng sỏ khác là Go! của Central Retail cũng bị mắc kẹt trong khoảng doanh thu này. Chuỗi có giai đoạn tăng trưởng thần tốc nhờ các thương vụ thâu tóm Nguyễn Kim, BigC hay Lanchi Mart để cán mốc doanh thu hơn một tỷ USD vào năm 2019.
Chuỗi bán lẻ của đại gia Thái Lan tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2020 lên quy mô khoảng 32.000 tỷ đồng để rồi gặp khó trước ngưỡng mới, suy giảm về 27.365 tỷ đồng trong năm 2021.
Có thể thấy mốc trên 30.000 tỷ đồng là ngưỡng mà các đơn vị lớn bắt đầu gặp khó khăn để mở rộng thêm thêm, đà tăng trưởng chậm lại và thậm chí là sụt lùi. Bách Hóa Xanh là cái tên mới nhất vấp "bẫy doanh thu" ngành bán lẻ thực phẩm.
Chuỗi bán lẻ non trẻ phát triển khá thần tốc khi chỉ mất 4 năm hoạt động để đạt được mốc 1.000 cửa hàng và tiếp tục nhân rộng nhanh lên hơn 2.100 địa điểm vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, do tái cấu trúc, việc mở rộng đã bắt đầu chậm lại và thậm chí suy giảm kể từ đầu năm 2022.
Đi cùng với sự xâm nhập về cửa hàng thì doanh số Bách Hóa Xanh cũng nhân lên gấp bội. Từ mức hơn 250 tỷ đồng năm 2016 thì thần tốc leo lên hơn 28.200 tỷ đồng trong năm ngoái (tức mở rộng gấp 112 lần chỉ sau 5 năm).
Viễn cảnh về nổ lực thoát bẫy doanh thu ngành của Bách Hóa Xanh đã nhanh chóng gặp kháng cự lớn. Hiệu quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng khiến lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến các phương án tái cơ cấu làm đà tăng trưởng bị chậm lại đáng kể.
Theo báo cáo 5 tháng đầu năm, Bách Hóa Xanh chỉ còn ghi nhận doanh thu lũy kế 10.500 tỷ đồng , suy giảm so với mức khoảng 10.600 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt cửa hàng mất thời gian nâng cấp, chuyển đổi có thể khiến cho doanh số càng khó đạt được kỳ vọng.