Có thể xử lý hình sự nếu vi phạm
Nhắc đến sữa “xách tay” trên thị trường có lẽ còn nhiều vấn đề để bàn luận từ khía cạnh pháp luật đến đạo đức kinh doanh. Các chuyên gia nhận định, hàng “xách tay” là hàng lậu. Mặt hàng sữa “xách tay” hoạt động công khai, tràn lan trên thị trường cũng như thương mại điện tử đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Hệ quả là một số lượng hàng hóa lớn được tuồn vào Việt Nam và tiêu thụ, nhưng không phải đóng bất kỳ loại thuế nào.
Ngoài việc có nguy cơ gây thất thu thuế, những mặt hàng sữa ngoại “xách tay” không rõ nguồn gốc xuất xứ còn tiềm ẩn vấn đề không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, tình trạng này kéo dài sẽ gây nhiễu loạn thị trường sữa và khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Lý giải cho tình trạng hàng “xách tay” được mua bán rậm rộ bằng nhiều chiêu thức khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng, người Việt phần lớn có phần do tâm lý sính ngoại, thích sử dụng hàng có thương hiệu. Đặc biệt, với việc các sản phẩm là sữa ngoại, người Việt sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua khi chưa tìm hiểu kỹ về chất lượng, công dụng của sản phẩm.
Bàn luận về tình trạng hàng xách tay “nở rộ” trên các trang mạng điện tử, đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang lưu thông trên thị trường như hiện nay, luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Luật Vì Chân Lý Themis cho biết, tại khoản 13, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có giải thích về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, đối với các loại hàng hóa không thuộc trường hợp phải đăng ký cấp giấy chứng nhận xuất xứ, hàng hóa được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ khi cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, sử dụng các tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa mà không thể phát hiện ra nguồn gốc của hàng hóa. Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Về hành vi hoạt động kinh doanh mua bán mà các bên có vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.
Đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thì áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc tiêu hủy, thủ tiêu tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Theo luật sư Lương Thành Đạt, về việc quảng cáo, rao bán hàng thực phẩm “xách tay” không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì có thể bị xử phạt căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định hành vi quảng cáo không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Bên cạnh đó, tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định, hành vi quảng cáo không đúng gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc được công bố là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
“Hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không đúng, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”, luật sư Đạt phân tích.
Hiện nay, có nhiều website đăng tải các thông tin về sản phẩm hàng tiêu dùng, nhưng không đăng ký với các cơ quan chức năng. Việc lập ra các website “lậu” chủ yếu để phục vụ mục đích bán hàng online và né tránh sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Lương Thành Đạt, căn cứ Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định trường hợp quảng cáo trên website phải xin giấy phép quảng cáo bao gồm: Quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm phụ gia thực phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, trang thiết bị y tế, sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ,...
Như chúng ta đã biết, hoạt động quảng cáo thương mại trên các website không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, Luật Quảng cáo 2012, Luật An ninh mạng 2018, mà còn chịu sự điều chỉnh của những luật chuyên ngành có liên quan khác. Tùy vào từng sản phẩm hàng hóa quảng cáo dịch vụ, sẽ có những điều kiện để thực hiện thủ tục xin phép quảng cáo trên website là khác nhau.
Để kiểm soát hoạt động quảng cáo thương mại, pháp luật thương mại và pháp luật về quảng cáo, có các quy định về những hành vi quảng cáo bị cấm như thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi,…
Hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các điều kiện quảng cáo, hàng hóa dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có tài liệu chứng minh đối với những hàng hóa có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đối với sản phẩm có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thì phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thuốc, mỹ phẩm,….
Đối với quảng cáo thương mại trực tuyến, ngoài việc tuân thủ các điều kiện chung còn phải tuân thủ một số điều kiện khác: Trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng. Trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, chủ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch về tên, địa chỉ người kinh doanh.
Nếu cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cần có chế tài xử lý mạnh tay
Theo luật sư Lương Thành Đạt, trước tình trạng quảng cáo, rao bán các mặt hàng sữa “xách tay” công khai, ở đây không chỉ cần đề cập đến công tác quản lý nhà nước như xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, mà còn là trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Pháp luật quảng cáo cần xác định rõ trách nhiệm của nhà cung cấp sản phẩm, đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người thực hiện quảng cáo trực tuyến và trách nhiệm liên đới trong trường hợp các bên biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Vì thế, cần áp dụng hiệu quả Luật An ninh mạng và phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm soát quảng cáo trực tuyến như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và cơ quan quản lý ở địa phương để tăng cường kiểm soát các hoạt động quảng cáo trên các trang mạng.
“Biện pháp xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ nghiêm minh, chưa đủ răn đe, do vậy cần nâng cao mức xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với tổ chức vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến và thực thi hiệu quả pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chịu sự ảnh hưởng của quảng cáo”, luật sư Lương Thành Đạt nói.
Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đã lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan, thông quan và hậu kiểm. Mặt khác, xu hướng phát triển tất yếu của hoạt động thương mại điện tử cũng khiến tình trạng buôn lậu, bán hàng “xách tay” ngày càng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, đây là lĩnh vực đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát và phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, đối với hàng “xách tay”, hàng nhập lậu thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc phải chứng minh hàng hóa đó được buôn lậu qua biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới), thì mới có căn cứ để xử lý hình sự. Khi hàng đã “tuồn” được qua được biên giới và đưa vào lưu thông trên thị trường trong nước, thì việc xử lý chủ yếu chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Bởi vậy, để ngăn chặn hàng “xách tay”, hàng lậu thì cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, xử lý từ gốc của vấn đề.
Còn riêng đối với sản phẩm sữa phần lớn phục vụ những đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, rất cần sự kiểm soát kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý nhà nước và xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là kinh doanh mặt hàng hàng sữa “xách tay”. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có kiến thức hiểu biết về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sữa ngoại “xách tay” trước khi mua để tránh “tiền mất tật mang”.