Kinh nghiệm từ Mỹ
Mỹ là quốc gia có lượng xăng dầu tiêu thụ nhiều nhất thế giới nên bị ảnh hưởng rất lớn khi giá xăng dầu biến động. Chính quyền đã và đang thực thi một số chính sách cơ bản đối với kinh doanh xăng dầu:
Thứ nhất, về điều kiện gia nhập thị trường, Mỹ không hạn chế việc tham gia thị trường và quyền kinh doanh bao gồm cả quyền nhập khẩu và quyền phân phối mà quốc gia này quy định phải có sự tách biệt giữa hoạt động lọc dầu và hoạt động bán lẻ. Quy định này buộc các công ty dầu mỏ cho thuê các trạm bơm xăng cho các nhà vận hành độc lập khi có nguy cơ thống lĩnh thị trường và nhằm hạn chế các hành vi phi cạnh tranh. Các doanh nghiệp tư nhân nắm giữ từ lọc dầu đến nhập khẩu và cả phân phối sản phẩm xăng dầu, giá được thị trường quyết định, tuy nhiên vẫn có sự can thiệp ở mức tối thiểu của chính phủ. Chính vì các quy định hạn chế đối với hoạt động thương mại chỉ ở mức tối thiểu nên giá sản phẩm xăng dầu tại nước này thay đổi cùng nhịp với giá sản phẩm xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường xăng dầu Mỹ hoàn toàn không có sự quản lý của chính phủ mà ở đó các doanh nghiệp phải tuân theo các quy định chung về bảo vệ người tiêu dùng và chống các hành vi phi cạnh tranh, cũng như nộp các loại thuế, tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn...
Thứ hai, về chính sách dự trữ, Mỹ không có sự can thiệp trực tiếp đến giá cả thị trường mà thông qua vận hành quỹ dự trữ chiến lược. Mỹ có kho dự trữ chiến lược và tham gia chương trình năng lượng quốc tế của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), kho dự trữ chiến lược này được sử dụng để đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu nội địa, đồng thời can thiệp vào thị trường xăng dầu thế giới trong những trường hợp thiếu hụt. Trong những trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trong cung cấp dầu mỏ, nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) phối hợp với các nước thành viên IEA khác sẽ được bán ra với số lượng lớn. Điều mà không nhiều quốc gia có đủ năng lực bởi bí hỏi phải có một lượng vốn lớn dành cho dự trữ.
Thứ ba, về chính sách thuế, Mỹ áp dụng thuế suất ổn định và tương đối thấp đối với các sản phẩm xăng dầu. Việc áp dụng thuế suất ổn định không những ổn định nguồn thu của Nhà nước, mà còn phản ánh sát thực hơn về biến động của thị trường xăng dầu quốc tế. Tuy nhiên, điều này làm cho người sử dụng xăng dầu luôn phải đối mặt với sự biến động giá cả và điều tiết lượng tiêu dùng.
Ngoài ra, Mỹ là quốc gia rất hiệu quả trong triển khai các biện pháp nhằm chống cạnh tranh độc quyền mặt hàng xăng dầu, bình ổn giá. Chính phủ Mỹ thường xuyên điều tra chống các hiện tượng thao túng thị trường xăng dầu bất hợp pháp; yêu cầu các công ty năng lượng tái đầu tư vào việc mở rộng công suất lọc dầu, tăng cường công tác nghiên cứu phát triển công nghệ mới, khuyến khích tìm kiếm và sử dụng các nguồn nhiên liệu mới thay thế xăng dầu; thường xuyên công bố giá bán bình quân xăng dầu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có căn cứ lựa chọn cây xăng có mức giá bán phù hợp, đảm bảo tính minh bạch thị trường và hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng xăng dầu ở Mỹ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên bang và pháp luật của các bang. Các bang quy định phải có sự tách biệt giữa hoạt động lọc dầu và hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp. Quy định này đã gây sức ép các doanh nghiệp dầu mỏ cho thuê các trạm bơm xăng cho các nhà vận hành động lập khi nhận thấy nguy cơ các doanh nghiệp này sẽ thống lĩnh thị trường. Bộ Năng lương Mỹ là cơ quan có nhiệm vụ dự trữ xăng dầu nhằm cân đối cung - cầu, chuyển đổi nhiên liệu và phân chia dự trữ dầu thô theo các quy định của cơ quan Năng lượng quốc tế.
Trong trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trên thị trường xăng dầu, lượng xăng dầu dự trữ sẽ được bán ra trên thị trường. Tổng thống có thẩm quyền ra lệnh cắt giảm dự trữ xăng dầu nếu hành động này là cần thiết do sự thiếu hụt nghiêm trọng trong cung cấp năng lượng hoặc do nghĩa vụ của Mỹ trong chương trình năng lượng quốc tế.
Các quốc gia châu Á quản lý kinh doanh xăng dầu ra sao?
Ở Trung Quốc, là nền kinh tế vừa sản xuất, xuất khẩu, vừa nhập khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã thực thi những biện pháp quản lý giá xăng dầu hết sức chặt chẽ. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố giá bán xăng dầu của Trung Quốc là Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc. Nhà nước Trung Quốc sử dụng các biện pháp kiểm soát giá, thu nhiều loại thuế, xếp kinh doanh xăng dầu vào kinh doanh có điều kiện, kiểm soát kế hoạch phân bố dầu thô trong nước, kế hoạch xuất khẩu…
Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu đối với dầu thô rất thấp, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lọc dầu là thấp hơn so với mức thuế trung bình đối với hàng công nghiệp. Trung Quốc ban hành nhiều loại thuế được ban hành như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ xăng dầu, thuế tiêu thụ nhiên liệu tại địa phương. Kinh doanh xăng dầu có điều kiện: quy định nghiêm ngặt việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định kho chứa, dự trữ tối thiểu, hệ thống phân phối.
Về chính sách giá, từ năm 2000, Trung Quốc có chính giá định giá mới đối với sản phẩm xăng dầu. Hằng tháng, Ủy ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước (SDPC) sẽ công bố giá bán lẻ định hướng đối với xăng dầu. Giá này chỉ thay đổi nếu có biến động đặc biệt trong tháng lớn hơn +/- 5%. Giá cả xăng dầu được phép giao động trong khoảng +/- 8% giá bán lẻ định hướng. Giá bán lẻ định hướng được dựa trên:giá bán FOB Singapore (hệ số 50%), giá bán FOB London (hệ số 30%), giá bán FOB New York (hệ số 20%); tiếp theo là phí bảo hiểm đường biển, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và các loại phí khác; chi phí vận chuyển hợp lý; cuối cùng là lãi suất bán lẻ.
Về chính sách dự trữ, Cục Dự trữ vật tư Quốc gia là cơ quan chủ quản, thực hiện hai chức năng, vừa quản lý Nhà nước về dự trữ, vừa quản lý trực tiếp hàng hóa dự trữ quốc gia. Như vậy, tính trực tiếp và tính hệ thống là nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng kho dự trữ chiến lược chứa 20 triệu tấn xăng dầu.
Trong các thời điểm khủng hoảng về xăng dầu, Bộ Thương mại Trung Quốc thường đưa ra thông báo đề nghị tất cả các thành phố thực hiện chế độ khẩn cấp về dầu và các chính quyền tỉnh, thành phố phải giữ ổn định cung và cầu. Hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất của Trung Quốc là Tổng công ty xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty xăng dầu và hóa chất Trung Quốc (Sinopec) sẽ được yêu cầu hạn chế việc xuất khẩu và tăng nhập khẩu dầu tinh chế để duy trì sự ổn định của thị trường.
Tại Nhật Bản, trong quản lý giá xăng dầu, Nhà nước Nhật Bản can thiệp sâu rộng và chặt chẽ. Nhiều đạo luật được ban hành như Luật kinh doanh xăng dầu, Luật doanh nghiệp phát triển dầu khí… chi phối mạnh mẽ hoạt động của các công ty xăng dầu. Tuy là nước không có tài nguyên dầu mỏ, nhưng Nhật Bản lại sở hữu rất nhiều các nhà máy lọc dầu, hoạt động xăng dầu chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước.
Các nội dung chính trong điều hành giá xăng dầu của Nhật Bản bao gồm: Thống nhất quản lý thông qua Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản. Nhà nước quản lý giá sản xuất cũng như giá bán lẻ, điều tiết lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu; thu nhiều loại thuế liên quan xăng dầu như: thuế nhập khẩu, thuế xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cầu đường tạm thời… Đây cũng là những công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho việc điều chỉnh giá cả; kiểm soát nguồn cung dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu, hạn ngạch sản xuất đầu ra, thậm chí kiểm soát cả quy mô, đầu tư mới, đầu tư mở rộng các nhà máy lọc dầu, các trạm xăng, cây xăng; hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc dầu; không cho phép đầu tư nước ngoài tham gia phân phối và quảng bá.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Đông Nam Á và là nước duy nhất của ASEAN có mặt trong khối OPEC. Ở quốc gia này, giá xăng dầu do Chính phủ qui định bằng sắc lệnh của Tổng thống. Bởi vì đây là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và giữ vai trò quan trọng đối với sản xuất của các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân. Nguyên tắc định giá xăng dầu căn cứ vào giá thành, định mức thuế, có so sánh với mức giá của các quốc gia khác trong khu vực.
Để làm cơ sở cho việc quyết định giá xăng dầu, công ty xăng dầu kê khai giá thành và đề nghị giá bán. Giá thành do công ty kê khai được thẩm vấn viên xem xét và chứng nhận. Việc định giá theo hình thức này giúp giá xăng dầu nhập khẩu ở trong nước của Indonesia sát với mức giá của các quốc gia khác trên thế giới, giúp tránh được tình trạng buôn lậu xăng dầu như đang diễn ra ở các quốc gia khác trong khu vực. Giá xăngdầu do nhà nước quyết định, tùy tình hình mà tăng hay giảm giá kết hợp với biện pháp trợ giá, trợ cấp cho người dân để bù đắp khó khăn.
Về điều chỉnh giá, Chính phủ Indonesia cho phép các doanh nghiệp xăng dầu thông báo công thức tính giá bán lẻ mới vào ngày đầu tháng.Công thức này được tính trên cơ sở cho phép giá nhiên liệu được dao động hàng tháng trên cơ sở giá bán trung bình tại Singapore (MOPS). Tuy nhiên, để tránh những tác động của giá thế giới, Chính phủ đã thiết lập một chỉ số giá định hướng trên cơ sở +/- 5% theo MOPS. Từ tháng 1/2003 đến nay, chính phủ đã không áp dụng công thức giá nguyên liệu theo MOPS sau khi giá dầu thô vượt 30 USD/thùng.
Trong những năm qua, Chính phủ Indonesia quyết định cắt giảm trợ cấp cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhằm giảm bớt thâm hụt ngân sách và hạn chế hoạt động kinh doanh xăng dầu bất hợp pháp. Giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng khoảng 32% đối với xăng. Chính phủ còn có những thay đổi cơ bản trong chính sách định giá bán lẻ xăng dầu. Giá bán các sản phẩm này đã tăng khoảng 30%. Việc điều chỉnh giá bán xăng dầu theo sự biến động của của giá xăng dầu thế giới là một tất yếu khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cắt giảm trợ cấp cho mặt hàng này một cách từ từ và có lộ trình cụ thể. Chính phủ Indonesia vẫn quy định giá trần bán lẻ cho các sản phẩm xăng dầu. Mức giá trần do chính phủ quy định không chênh lệch quá lớn so với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Tại Malaysia – quốc gia được ghi nhận là một trong những nước có giá xăng dầu thấp nhất thế giớ, hiện đang có trữ lượng dầu thô lớn, khoảng 3 tỷ thùng. Quốc gia này có 6 nhà máy lọc dầu trong đó có 3 công ty nhà nước thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petronas với công suất chế biến khoảng 540 nghìn thùng/ngày. Về chính sách gia nhập thị trường, Malaysia chỉ thành lập duy nhất một doanh nghiệp nhà nước có toàn quyền sở hữu về ngành dầu khí và độc quyền thăm dò tìm kiếm dầu khí trên đất liền và ngoài khơi thuộc chủ quyền của Malaysia, đó là hãng Petronas. Đây là một công ty dầu khí tổng hợp đảm nhận từ thăm dò, khai thác, chế biến và tiêu thụ cũng như các hoạt động khác thuộc lĩnh vực công nghiệp dầu khí. Petronas do chính phủ Malaysia điều hành thông qua bộ máy tham mưu là “Hội đồng cố vấn dầu khí quốc gia”, các bộ của chính phủ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tùy theo chức năng của từng bộ liên quan đối với Petronas.
Nhà nước Malaysia chủ trương chỉ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước ở mức 30% nhu cầu, còn lại cho các hãng nước ngoài vào kinh doanh. Trên thị trường Malaysia có các hãng xăng dầu nước ngoài tham gia như SHELL, ESSO, BP, MOBIL, CALTEX chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần bán lẻ.
Về chính sách giá, chính phủ Malaysia hiện đang thực hiện kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu đối với xăng, diesel thông qua cơ chế “giá tự động”. Giá bán lẻ xăng và dầu diesel được xác định như sau: Giá bán lẻ = Giá thành sản phẩm + Chi phí phân phối + Chi phí vận chuyển + Hoa hồng đại lý + Lợi nhuận công ty + Thuế. Mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu luôn phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Chính vì vậy, Malaysia quy định mức lợi nhuận hợp lý cho kinh doanh xăng dầu (mức lãi 3% so với giá bán). Mục tiêu lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu có sự chủ động điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cho hoạt động này vừa có thu nhập hợp lý, vừa phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống.
Malaysia lập quỹ bù giá bằng cách lấy lãi từ hoạt động xuất khẩu dầu thô để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột biến. Trước tình hình giá dầu thế giới lên cao, để hạn chế những tác động tiêu cực của nó, Malaysia áp dụng biện pháp điều chỉnh tăng giá kết hợp với trợ giá nhiên liệu ở mức độ nhất định. Về lâu dài, Malaysia sẽ thực hiện thả nổi giá sản phẩm này và chỉ trợ cấp cho một số đối tượng ở khu vực nông thôn.
Có thể nói, hầu hết các quốc gia, các Chính phủ thường can thiệp ít hay nhiều vào thị trường sản phẩm xăng dầu nhằm theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường xăng dầu tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế và các mục tiêu mà Chính phủ theo đuổi. Con đường chung của các quốc gia để quản lý xăng dầu đều bắt đầu bằng sự quản lý chặt chẽ, sâu rộng của nhà nước, sau đó, sẽ dần dần tự do hóa thị trường xăng dầu.