Khu vực sạc điện ngoài trời - Nguồn: Nandu Gallery.
Cho tới tháng 8/2023, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Đông phải xây dựng ít nhất một trạm sạc điện tập trung, đồng thời lắp đặt 100% trạm sạc điện ở các thôn xóm và khu dân cư - theo thông báo của chính quyền tỉnh tại cuộc họp báo “Tỉnh Quảng Đông thắt chặt phương án quản lý an toàn cháy nổ xe đạp điện” tổ chức giữa tháng 9.
Nhờ sự tiện lợi và linh hoạt trong sử dụng, xe đạp điện đã trở thành một trong những phương tiện giao thông chính của người dân địa phương. Số liệu từ Thương hội xe điện tự động Quảng Đông cho thấy 4 triệu người ở Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) sở hữu xe điện. Doanh số xe đạp điện năm 2021 là 1,1 triệu chiếc, sang năm 2022 con số này sẽ tiếp tục tăng và tăng theo từng năm.
Cùng với đó, số vụ cháy xe đạp điện cũng đang có xu hướng gia tăng, trở thành hiểm họa cho người dân. Trong nửa đầu năm nay, tại Quảng Châu đã xảy ra 232 vụ cháy xe đạp điện, chiếm gần 20% tổng số vụ cháy trong thành phố. Từ kết quả phân tích điều tra tai nạn cháy nổ, khoảng 50% các vụ cháy xảy ra trong quá trình sạc pin và cháy bình ắc quy xe đạp điện. Hai năm trở lại đây, tai nạn cháy xe đạp điện tại Trung Quốc không ngừng gia tăng và phần lớn nguyên nhân đều tập trung ở việc sạc điện.
Hiện trường vụ tai nạn cháy xe đạp điện - Nguồn: Fanpage Phòng cháy chữa cháy Quảng Đông
Thực tế, từ ngày 1 tháng 7 năm nay, tỉnh Quảng Đông đã thực hiện các biện pháp theo “Luật Phòng cháy chữa cháy của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" về quy định rõ ràng việc cấm đỗ xe hoặc sạc xe đạp điện, xe máy điện ở những nơi trong nhà không đáp ứng điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy như gầm cầu thang; mức phạt tối đa là 5000 nhân dân tệ đối với đơn vị từ chối sửa chữa, số tiền phạt đối với cá nhân là 1000 nhân dân tệ.
Quy định của pháp luật nghiêm cấm mang xe điện và ắc quy vào trong nhà để sạc điện mà chỉ được sạc ở các khu vực ngoài trời. Tốc độ phát triển ồ ạt của xe đạp điện trong hai năm trở lại đây khiến hạ tầng trở nên quá tải và các phương tiện hỗ trợ như trụ sạc, bãi giữ xe chưa thể phát triển đồng bộ, chưa kể một số lượng nhỏ trạm sạc công cộng chưa đủ cung cấp dịch vụ sạc điện. Người dân do vậy vẫn mang xe điện hoặc bình ắc quy về sạc tại nhà hoặc những nơi không an toàn khác - cho dù vẫn ý thức về mức độ nguy hiểm của việc này.
Hiện nay, để giải quyết vấn đề từ nguồn bắt buộc phải xây dựng đồng thời các trạm sạc tập trung để đáp ứng nhu cầu đỗ xe và sạc xe điện hàng ngày của người dân. Điều đáng chú ý, nguyên nhân khiến tai nạn cháy nổ chủ yếu xảy ra ở quá trình sạc của xe điện là do mẫu mã và chất lượng của ắc quy. Vì vậy, ngoài việc bố trí những vị trí công cộng đủ rộng để lắp đặt trạm sạc, cần cải thiện chuỗi giám sát sản xuất, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện nhằm nâng cao chất lượng của ắc quy nhằm giải quyết tận gốc vấn đề cháy nổ do sạc xe điện.