Một lực lượng đặc biệt, bao gồm các quan chức địa phương và văn phòng nhập cư, đã được thành lập để giám sát các hoạt động của người nước ngoài ở Bali, theo News.com.au.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bali Made Ariandi cho biết những người không phải công dân sẽ không được phép làm việc ở đây. Việc nhóm này kinh doanh hoặc nhận việc làm bất hợp pháp tác động tiêu cực đến các doanh nhân địa phương.
Có thông tin cho rằng ban đầu, nhiều người đến Bali với mục đích du lịch song cuối cùng lại mở các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp. Ông Ariandi cho biết tình trạng này đặc biệt dễ nhận thấy sau đại dịch và có thể là do chính sách thị thực khi đến (VoA) và thị thực quê hương thứ hai.
"Người nước ngoài không tốn nhiều tiền khi sống ở Indonesia. Nỗi lo ngại là nhiều người đến đây du lịch 'cảm thấy thích' sống ở đây. Nếu họ ở lại, họ sẽ mở doanh nghiệp kinh doanh hoặc làm việc".
Mạnh tay
Chương trình VoA của Indonesia cho phép người nước ngoài đến thăm quốc gia này trong 30 ngày để du lịch, áp dụng mở cửa cho hơn 80 quốc gia với chi phí thực hiện khoảng 50 USD.
Ở lại sau khi quá hạn thị thực có thể bị phạt tới 100 USD/ngày, bị giam giữ, trục xuất hoặc cấm nhập cảnh Indonesia trong một thời gian cụ thể.
Thị thực quê hương thứ hai là thị thực không làm việc, có hiệu lực tại Bali từ tháng 12/2022, được cấp cho người nước ngoài và gia đình muốn sống lâu dài ở Indonesia trong 5 hoặc 10 năm.
Chương trình thị thực nhằm thu hút những người nước ngoài giàu có, trong đó người nộp đơn phải xuất trình bằng chứng về nguồn tài chính để sinh sống và hơn 2 tỷ rupiah, tương đương 200.000 AUD, để gửi vào một ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ Indonesia.
Một lựa chọn khác để đủ điều kiện là sở hữu tài sản có giá trị tương tự. Vì người nước ngoài không thể sở hữu đất ở Indonesia, họ có thể thuê đất và sở hữu tài sản trên đó.
Việc kiếm thu nhập từ việc cho thuê nhà khi sống ở Indonesia bằng thị thực quê hương thứ hai cũng là bất hợp pháp.
“2 tỷ rupiah không phải để đầu tư mà để đảm bảo du khách có thể ở lại từ hai đến ba năm mà không chết đói. Nếu họ có tiền, họ sẽ không chết đói và sẽ không nhận công việc của người khác hoặc địa phương", ông Ariandi nói.
Thị thực quê hương thứ hai nhằm thu hút khách du lịch giàu có, những người có đủ khả năng sống ở Indonesia và đóng góp cho nền kinh tế bằng cách chi tiêu chứ không phải làm việc.
“Khách du lịch cần lưu ý, thị thực quê hương thứ hai không có nghĩa là họ có thể tiêu hàng triệu rupiah rồi hết tiền và trở thành tài xế xe ôm, huấn luyện viên thể dục dụng cụ, yoga, huấn luyện viên lặn hay bất cứ nghề gì khác", Bali Kadin thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp nói.
Người đứng đầu Văn phòng Du lịch Bali Tjok Bagus Pemayun gần đây cũng cho biết Indonesia có chính sách thị thực làm việc nghiêm ngặt mà công dân nước ngoài phải tuân theo, vì bất kỳ hành vi vi phạm quy định làm việc nào cũng sẽ gây hại cho người dân địa phương ở Bali.
Theo The Strait Times, 47 người, trong đó có 13 người Nga, đã bị trục xuất vì vi phạm các điều kiện lưu trú và sử dụng sai giấy phép cư trú. Một công dân Ukraine cũng đang trong quá trình xử lý sau khi bị cáo buộc sử dụng giấy tờ tùy thân giả của Indonesia.
Vô vọng
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao một số du khách lại “quên” mang theo những phép lịch sự thông thường trong các chuyến đi?
Tiến sĩ Michael Brein, nhà tâm lý xã hội học, chuyên nghiên cứu về du lịch và giao tiếp liên văn hóa, cho biết điều đó phụ thuộc vào cách con người điều khiển tâm trí.
“Chúng ta có tâm lý thử nghiệm nhiều hơn khi có ít ràng buộc hơn, dù là về mặt văn hóa, xã hội hay hành vi. Tôi gọi đó là hiện tượng ‘kỳ nghỉ xuân’. Khi ở nhà, bạn phải sống quy củ thì đi du lịch là lúc được tự do. Càng có nhiều tự do thì người khác càng ít kiểm soát bạn hơn”, ông Brein nói.
Tiến sĩ tâm lý nói thêm sự thiếu trách nhiệm đó sẽ phức tạp hơn bởi trên thực tế, du khách cảm thấy ít có khả năng bị bắt hoặc nhận dạng vì họ đang ở giữa những người xa lạ.
Mở cửa từ sau đại dịch, đến thời điểm này, Bali vẫn loay hoay trong việc giải quyết những du khách ồn ào, có hành vi bất lịch sự ở các điểm linh thiêng.
Thậm chí, hồi đầu tháng 4, một số chính trị gia đề xuất áp thuế du lịch để ngăn chặn những người nước ngoài thu nhập thấp và có hành vi sai lệch, theo News.com.au.
Đến nay, điểm nóng nghỉ dưỡng có đề xuất cấm khách du lịch sử dụng xe máy. Nhân viên khách sạn được đào tạo để hướng dẫn khách nước ngoài về những gì họ có thể và không thể làm. Một chiến dịch chính thức nhằm trấn áp các hành vi ngang ngược với các bảng quảng cáo lớn dự kiến sớm được lắp đặt.
Ông Luhut Binsar Pandjaitan, chính trị gia cấp cao có ảnh hưởng của Indonesia, đang thúc đẩy Bali tập trung vào “du lịch chất lượng” thay vì “du lịch đại chúng”.
Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải và Đầu tư Indonesia cho rằng nên "tiến hành đánh giá ngay lập tức đối với chính sách không chào đón công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia thường có vấn đề. Đây là điều quan trọng cần được thực hiện để khách du lịch đến được chọn lọc kỹ lưỡng”.
Chính trị gia, được người dân Indonesia gọi tôn kính là “Lord Luhut”, chỉ ra Bali là địa điểm du lịch giá rẻ và cho rằng đây là một phần của vấn đề.
“Điều này đã khuyến khích nhiều du khách nước ngoài có thu nhập thấp đến Bali, dẫn đến sự gia tăng các hành vi ngang ngược”.