Giữa tháng 4, một bài hát có sự góp giọng của Drake và The Weeknd mang tên “Heart on My Sleeve” tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội, thu về hơn 250.000 lượt stream trên Spotify và 10 triệu lượt xem trên TikTok. Nhưng cả 2 nghệ sĩ nổi tiếng đều không liên quan đến bài hát.
Người đứng sau là một tài khoản Twitter tên Ghostwriter. Tác giả này cho biết bài hát được tạo ra bằng AI, BBC đưa tin.
Đối với Drake và The Weeknd - hai trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất hành tinh - sự tồn tại của “Heart on My Sleeve” có thể chỉ là một phiền toái nhỏ dễ dàng bị hãng thu âm dập tắt.
Song với những người khác trong ngành, bài hát báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn: Cơn đau đầu khi một công nghệ mới được đưa vào sử dụng trước khi kịp xuất hiện các quy tắc cần thiết.
Hồi chuông cảnh báo
“Heart on My Sleeve” là ví dụ mới và nổi bật nhất về “vùng xám” vừa bùng nổ trong những tháng gần đây: Các bản nhạc tự chế sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra âm thanh quen thuộc giống ca sĩ.
Sự thành công của “Heart on My Sleeve” đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc, nơi các tập đoàn ngày càng lo ngại về việc AI học hỏi và bắt chước chất liệu âm nhạc có bản quyền của họ.
Universal Music Group - hãng thu lớn đứng sau Drake và The Weeknd - đã cảnh báo về những nội dung này với các đối tác, nhấn mạnh mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ.
Trong một tuyên bố, công ty đặt câu hỏi: “Hệ sinh thái âm nhạc muốn đứng về phía nào? Phía nghệ sĩ, người hâm mộ và sự sáng tạo của con người, hay phía những kẻ giả mạo và từ chối trả xứng đáng cho nghệ sĩ”.
Ít nhất cho đến thời điểm này, các nghệ sĩ và công ty đại diện có thể tự tin rằng yếu tố xã hội và cảm xúc sẽ vạch ra ranh giới giữa những tác phẩm thật và giả.
Tuy nhiên, việc các siêu sao có thể trở nên lỗi thời và phải nhường chỗ cho những cỗ máy có khả năng bắt chước họ hay không chỉ là một phần vấn đề.
Giờ đây, các trình tạo nhạc miễn phí có thể được sử dụng để sáng tác một nhịp rap, bản nhạc thương mại hoặc nhạc phim, từ đó bòn rút nền kinh tế vốn đã mong manh với các nhạc sĩ.
Trước sự bùng nổ và khả năng cải tiến nhanh chóng văn bản, hình ảnh, âm thanh và video của AI, các chuyên gia cho rằng công nghệ này có thể định hình lại ngành công nghiệp sáng tạo ở mọi cấp độ. Do đó, người hâm mộ, nghệ sĩ và hệ thống quản lý phải nhanh chóng điều chỉnh theo các chuẩn mực mới.
“Hiện có thể tạo ra sản phẩm truyền thông vô hạn theo phong cách hoặc chân dung của người khác mà không tốn nhiều công sức, vì vậy chúng ta phải chấp nhận điều đó có nghĩa là gì”, nhạc sĩ Holly Herndon, người đã nghiên cứu và sử dụng AI trong công việc suốt nhiều năm, chia sẻ qua email.
“Câu hỏi đặt ra là xã hội có quan tâm đến cảm nhận (của những nhạc sĩ như) Drake hay chỉ cần nghe một sản phẩm thông minh hời hợt là đủ?”, cô nhận định.
“Đối với một số người, điều đó là không đủ. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng người dùng Spotify hầu hết chỉ để nghe thứ gì đó thú vị, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp”, Herndon nói thêm.
"Giọt nước tràn ly"
Thành công đột phá của “Heart on My Sleeve” khiến chủ đề âm nhạc chiếm vị trí đầu trong các cuộc thảo luận đã nổ ra về AI kể từ khi những ứng dụng như ChatGPT và trình tạo ảnh như DALL-E xuất hiện.
Tác giả ca khúc này hứa hẹn “đây mới chỉ là sự khởi đầu”. Trong khi đó, tòa án và các nhà lập pháp chỉ mới bắt đầu giải quyết các câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến công nghệ AI. Hiện tại, luật pháp chỉ bảo vệ tài sản trí tuệ được con người tạo ra, nhưng khi các nhạc sĩ hợp tác với máy móc thì sao?
Martin Clancy, một nhạc sĩ và là chủ tịch của ủy ban toàn cầu về vấn đề đạo đức của AI trong nghệ thuật, cho biết ngành công nghiệp âm nhạc đang vật lộn với sự phát triển của AI.
“Những thứ chúng ta coi là hiển nhiên đang bị đe dọa, chẳng hạn nghe nhạc do con người tạo ra, làm nhạc vì kế sinh nhai và việc (sáng tác) được công nhận là một kỹ năng đặc biệt”, ông Clancy nói.
Trong một số trường hợp, AI tạo ra bản cover bài hát của các ca sĩ. Điều này có thể dẫn đến một thách thức pháp lý. Chẳng hạn, các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia từng kiện những người mô phỏng hình ảnh vì tạo ra các phiên bản phái sinh cho tác phẩm của họ.
Trước đây, khi bị bắt chước giọng trong quảng cáo, nhạc sĩ Tom Waits và Bette Midler cũng từng tranh luận thành công trước tòa rằng họ có quyền không chỉ với các tác phẩm âm nhạc hoặc bản ghi âm mà còn với cả giọng hát của mình.
Tuần trước, Drake cũng đáp trả một bản cover khác do AI tạo ra - Munch của Ice Space - vì sử dụng giọng hát của anh.
"AI, đây là giọt nước tràn ly", rapper viết trên Instagram.
Tuy nhiên, đối với những nhạc sĩ như Herndon, AI có thể được khai thác trong nghệ thuật một cách công bằng và có đạo đức. Cô đã bán giọng AI của mình cho các nhạc sĩ khác.
“Có nhiều cơ hội khám phá công nghệ này hơn là cố gắng dập tắt nó”, cô chia sẻ với New York Times.
“Là một nghệ sĩ, tôi quan tâm đến ý nghĩa của việc ai đó trở thành tôi, với sự cho phép của tôi, thậm chí là phiên bản tốt hơn theo những cách khác nhau. Khả năng sáng tạo (từ AI) rất hấp dẫn và sẽ thay đổi nghệ thuật mãi mãi. Chúng ta chỉ cần tìm ra các điều khoản”, Herndon kết luận.