Bán khống là một hoạt động bán cổ phiếu, nhưng người bán khống không sở hữu cổ phiếu đó vào thời điểm giao dịch. Khi bán khống, nhà đầu tư sẽ mượn chứng khoán từ tài khoản của bên môi giới để bán đi.
Khi đến thời hạn trong hợp đồng, người mua sẽ phải mua chứng khoán để hoàn trả số chứng khoán đã bán khống trước đó.
Nếu giá chứng khoán giảm, người bán khống có thể mua chứng khoán với giá thấp hơn và ăn chênh lệch.
Kẻ phản diện của thị trường?
Nói một cách dễ hiểu, nhà đầu tư bán khống cũng muốn mua thấp, bán cao như những giao dịch thông thường, nhưng chỉ đảo ngược thứ tự, thành bán cao rồi mua thấp.
Những người bán khống từng bị coi là kẻ phản diện của thị trường tài chính. Vào năm 1929, cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đổ lỗi cho các nhà đầu tư bán khống, đã khiến thị trường sụp đổ: "Một nhóm nhỏ trong giới kinh doanh muốn kiếm lời từ đà sụt giảm của chứng khoán và hàng hóa. Họ bị dư luận và giới doanh nhân lên án vì không hề giúp ích cho quốc gia".
Nhưng đến nay, nhiều người đã tin rằng chính những nhà đầu tư bán khống đã giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trong nhiều trường hợp, họ đóng vai trò giám sát và vạch trần những công ty được định giá quá cao. Họ có thể là những người tỉnh táo duy nhất khi thị trường đang quá hưng phấn.
Một nhóm nhỏ trong giới kinh doanh muốn kiếm lời từ đà sụt giảm của chứng khoán và hàng hóa. Họ bị dư luận và các giới doanh nhân lên án vì không hề giúp ích cho quốc gia
Cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover
Nhiều người có thể thấy tức giận vì một nhóm nhỏ nhà đầu tư có thể kiếm được tiền, khi một cổ phiếu mất giá. Nhưng trên thực tế, họ không phải nguyên nhân sâu xa của sự sụt giá đó. Mà vấn đề nằm ở chính những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Nhiều người cũng dùng cách bán khống để phòng ngừa rủi ro.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 là một trong những thảm kịch tài chính khiến Mỹ và kinh tế thế giới chao đảo. Nhưng "huyền thoại bán khống" Michael Burry đã đoán trước được điều này cách đó vài năm.
Năm 2005, ông bắt đầu tập trung vào thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Thông qua việc phân tích các hoạt động cho vay thế chấp vào năm 2003 và 2004, ông đã dự đoán chính xác rằng bong bóng bất động sản sẽ vỡ tan tành, và kéo theo sự sụp đổ của các trái phiếu vay thế chấp dưới chuẩn.
Năm 2005, ông đã dùng quỹ phòng hộ của mình là Scion Capital để ký kết 8 hợp đồng phái sinh, nhằm bán khống những trái phiếu thế chấp dưới chuẩn rủi ro nhất. Nhưng dĩ nhiên là thời điểm đó, khi mà thị trường vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, hành động của ông đã gây nhiều lo ngại.
Năm 2006, quỹ của ông Burry đã lỗ 17%, phần lớn do các hợp đồng phái sinh này. Nhiều tin đồn cho rằng 2 nhà đầu tư lớn của quỹ đã muốn rút tiền vì hiệu suất hoạt động kém.
Hay những "cái đầu lạnh"?
Nhưng cuối cùng, khi thị trường sụp đổ, ông Burry đã chứng minh được rằng mình đã đúng. Ông bỏ túi 100 triệu USD nhờ bán khống, và kiếm về cho các nhà đầu tư còn lại hơn 700 triệu USD.
Trong năm nay, một cái tên trong giới bán khống đã trở thành tâm điểm của thị trường là Hindenburg Research.
Ông Gautam Adani từng là người giàu nhất châu Á, và là người châu Á đầu tiên lọt vào top 3 tỷ phú giàu nhất thế giới. Nhưng hãng bán khống này đã khiến tài sản của ông Adani giảm tới 40 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần. Đáng nói, Hindenburg chỉ là một hãng nghiên cứu nhỏ ở Mỹ. Hãng này tố cáo tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ "thao túng cổ phiếu và lừa đảo sổ sách suốt hàng thập kỷ".
Dù vậy, hoạt động bán khống cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong số đó là mức lãi của hoạt động bán khống là giới hạn, bởi một chứng khoán chỉ có thể giảm tối đa về 0, nhưng mức lỗ lại là vô hạn, vì không có giới hạn về mức giá cao nhất của chứng khoán.
Một nhà đầu tư bán khống nổi tiếng là Jim Chanos đã công khai bán khống Tesla từ năm 2016. Thời điểm đó, Tesla là mục tiêu hàng đầu của giới bán khống. Nhưng kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu của hãng xe điện này đã tăng khoảng 2.000%.