Ra mắt từ tháng 11/2022 nhưng ChatGPT đã bất ngờ trở thành công nghệ được quan tâm nhất chỉ trong vòng vài tháng. Những câu trả lời đầy sức thuyết phục và nghe giống người thật của nó được chia sẻ khắp nơi trên các mạng xã hội và được nhiều người dùng đón nhận.
Song, sức nóng của ChatGPT cũng mang lại hệ lụy: bản nhái của ChatGPT xuất hiện khắp nơi trên Internet.
Chiêu trò lừa tiền bằng ChatGPT
Trên WeChat, hàng loạt tài khoản nói mình là bên cung cấp dịch vụ giống với ChatGPT. Họ cam kết người dùng có thể trò chuyện với robot AI qua các ứng dụng nhỏ và website.
Nhưng trong khi ChatGPT hoàn toàn miễn phí, các chatbot ăn theo này lại bắt người dùng đóng 999 nhân dân tệ (147 USD) mỗi năm để được truy cập không giới hạn sau khi cho họ dùng thử vài lần.
“Trí tuệ nhân tạo ChatGPT không phải là một đoạn mã hay phần mềm. Nó là một ‘con người’ hiểu biết và có thể làm mọi thứ. Nó có thể trả lời dựa trên suy nghĩ của mình”, trích phần giới thiệu của tài khoản có tên AI Asking Robot. Tài khoản này tự xưng sẽ giúp người dùng sử dụng chatbot thông minh.
Một tài khoản khác có tên “ChatGPT Portal” lại yêu cầu người dùng trả phí 66 nhân dân tệ/tháng để có 1.200 lượt truy vấn. Dịch vụ này đã bị WeChat chặn hôm 10/2 và bị người dùng tố là lừa đảo.
Nói với The Paper, luật sư Chu Jiang cho biết phát tán bản lậu của ChatGPT được xem là hành vi vi phạm pháp luật, có thể là tội lừa đảo tiếp thị hoặc cạnh tranh thiếu công bằng. “Người phát hành những dịch vụ như trên có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự”, luật sư nói.
Bên cạnh đó, các câu trả lời từ những chatbot nhái ChatGPT cũng không lý tưởng như kỳ vọng. Khi được hỏi “Ai là bố bạn”, các dịch vụ đàm thoại này đã phản hồi “Bố tôi là John Smith”. Đến khi người dùng hỏi ngược lại John Smith là ai, chatbot nhái lại báo lỗi.
Câu trả lời này được cho là thua xa với ChatGPT khi nó có thể nhận ra đây chỉ là câu hỏi mẹo. “Tôi là mô hình ngôn ngữ được lập trình bởi OpenAI và không có bố. Tôi được tạo ra từ quá trình rèn luyện, học hỏi bộ dữ liệu khổng lồ trên Internet”, trích câu trả lời của ChatGPT.
Sức nóng của ChatGPT tại Trung Quốc
Chen Lijiulie, sở hữu một cộng đồng về ChatGPT cho người Trung Quốc, nói rằng các sản phẩm này không hề sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) của GPT-3, là tiền thân của ChatGPT, hay các chatbot khác trên thị trường nội địa. “ChatGPT chưa hỗ trợ dịch vụ ở Trung Quốc hay ủy quyền cho bất cứ tổ chức nào ở đây”, Chen nói với Sixth Tone.
Nhưng trên mạng xã hội, ChatGPT đã trở thành một hiện tượng bùng nổ, khiến các chuyên gia và công ty công nghệ phải chạy theo và cập nhật công nghệ mới nhất này. Theo báo cáo phân tích của Google Trends, tính đến ngày 23/1, chủ đề tìm kiếm liên quan đến ChatGPT đã tăng chóng mặt trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc là quốc gia đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng này.
Sixth Tone cho biết một số cửa hàng trên Taobao còn kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ chỉ bằng cách giúp người dùng đăng ký ChatGPT. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc hiện đã gỡ các dịch vụ này xuống.
Chen Lijiulie là một trong những người đầu tiên nhận thấy xu hướng này. Cộng đồng dùng ChatGPT của anh từ con số 0 đã tăng lên 2.000 người dùng chỉ trong 2 tuần.
Chen cho biết phần lớn người dùng là học sinh muốn sử dụng ChatGPT để tạo nội dung và chỉnh sửa các tài liệu phục vụ cho mục đích học tập. Trong khi đó, các nhân viên công sở cũng dùng chatbot AI để giúp họ làm những tác vụ liên quan đến văn bản như tổng hợp hay làm nội dung marketing.
Theo anh, các quy định kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc đã khiến nhiều người dùng không thể trải nghiệm công nghệ mới của thế giới này. Là người từng sử dụng ChatGPT bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, Chen cho biết chatbot này không quá thông minh khi giao tiếp bằng tiếng Trung vì còn thiếu bộ dữ liệu nguồn.