Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Nhiều dự án đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết Ban Quản lý dự án Thăng Long (Ban) đã tích cực đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng giao thông.
Năm 2022 là năm Ban đã có những thành tích to lớn trong việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; chỉ đạo, điều hành các dự án thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như công tác giải ngân kế hoạch vốn được giao và hoàn thành công tác quyết toán các dự án hoàn thành.
Để đảm bảo công ăn việc làm cho toàn Ban và sự phát triển bền vững của Ban trong giai đoạn tiếp theo, Ban đã khẩn trương và chủ động triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trong năm 2022, Ban Quản lý dự án Thăng Long thực hiện có hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án nhóm A trong giai đoạn trung hạn 2021-2025. Trong đó, với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Ban đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn khắc phục các khó khăn, tập trung nguồn lực tài chính, tăng kíp phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.
Đến nay, "hai dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 và hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải", lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long khẳng định.
Đối với hai dự án cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Ban đang tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu: xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm, tư vấn quan trắc môi trường.
Đồng thời, Ban đang phối hợp với các cơ quan, địa phương chuẩn bị khánh tiết, mặt bằng phục vụ lễ khởi công cả hai dự án vào ngày 1/1/2023.
Về dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hiện đã bàn giao tổng thể dự án. Ban đã đôn đốc nhà thầu hoàn thiện các thủ tục về các hạng mục phát sinh để phục vụ công tác thanh quyết toán.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3, TP. Hà Nội, các hạng mục công trình đã bàn giao cho đơn vị quản lý. Hiện nay, Ban đang thực hiện công tác quyết toán...
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của Ban đã được Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao, là một trong những Ban đứng đầu các Ban của Bộ cả về tỷ lệ giải ngân và giá trị giải ngân.
Dự kiến đến hết ngày 31/1/2023, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 sẽ đạt hơn 12.600 tỷ đồng (đã bao gồm dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đạt 97,6% kế hoạch vốn đã giao.
Trong năm 2022, tổng kế hoạch vốn đơn vị được giao năm 2022 là 8.278,489 tỷ đồng. Kết quả, tính đến hết ngày 21/12, Ban đã giải ngân được hơn 6.7000 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch vốn năm 2022.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân nếu bao gồm 4.723 tỷ đồng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đạt 52% kế hoạch vốn 2022.
Dự kiến đến hết ngày 31/12, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 7.700 tỷ đồng (không bao gồm dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đạt 93,3%.
Không để đứt quãng nơi công trường, giữ vững top đầu giải ngân
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý dự án Thăng Long trong các công tác từ đầu tư, giải ngân, quyết toán, đảm bảo các yêu cầu được đặt ra.
"2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành giao thông, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản. Nhiều áp lực với ngành từ khối lượng công việc, tiến độ hoàn thành, triển khai, khởi công dự án, cộng thêm những yếu tố khách quan về thời tiết, biến động giá cả... đều gây ảnh hưởng lớn đến ngành", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Thứ trưởng lưu ý các bộ phận làm đến đâu cũng phải rà lại từng bước, để tìm ra những vướng mắc, hạn chế tồn tại để có phương án giải quyết ngay.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị ban nghiên cứu các vấn đề, tồn tại hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp một cách rõ ràng, chi tiết.
“Khởi công là phải làm ngay, không nghỉ Tết, không để đứt quãng nơi công trường”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo dứt khoát.
Trong năm 2023, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long phải tập trung vào những nhiệm vụ chiến lược được giao. Đặc biệt, Ban phải hình thành một mô hình quản lý mới chuyên nghiệp, hiệu quả với lực lượng chính quy để tạo nên một thương hiệu “uy tín” trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Để xây dựng thành công thương hiệu, theo Thứ trưởng, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải tận dụng, ứng dụng công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý để hạn chế sự can thiệp của con người trong những vấn đề đòi hỏi sự minh bạch.
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, để phát huy những kết quả của năm 2022, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long đặt ra nhiều mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023.
Trong đó, trọng tâm là với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Ban sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát triển khai công tác thi công xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng thời gian đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng), Ban tích cực phối hợp với địa phương để sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Đối với các dự sân bay, sân bay Côn Đảo sẽ được đẩy nhanh công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công và tiến hành công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Trong dự án sân bay Nội Bài, cũng đẩy nhanh công tác thanh, quyết toán dự án.
“Ban cũng sẽ bám sát, giải trình với các bộ, ngành trong công tác chuẩn bị dự án để sớm triển khai các dự án chuẩn bị đầu tư. Chủ động tích cực trong công tác kêu gọi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đa dạng về hình thức đầu tư như ODA, PPP… Với các hạng mục bổ sung sử dụng vốn dư của các dự án, sẽ thúc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các bước tiếp theo, sớm triển khai thi công”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long nhấn mạnh.