Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã hoàn tất bán ròng 457.300 cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) trong ngày 21/10. Cụ thể, Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) lần lượt bán ra 277.300 và 200.000 cổ phiếu trong khi Hanoi Investment Holdings Limited mua vào 20.000 đơn vị.
Thời gian gần đây, nhóm Dragon Capital liên tục có động thái mua/bán cổ phiếu FPT. Gần nhất vào ngày 19/10, các quỹ thành viên thuộc của nhóm đã mua thêm 130.000 cổ phiếu FPT. Trước đó, nhóm này đã bán 700.000 đơn vị trong ngày 3/10. Như vậy, tính từ đầu tháng 10, Dragon Capital đã bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu FPT qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,96% và không còn là cổ đông lớn.
Động thái giảm sở hữu của quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FPT liên tục sụt giảm từ đầu tháng 9. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch quanh vùng 73.000 đồng/cổ phiếu, chỉ cao hơn đôi chút so với vùng đáy một năm xác lập vào cuối tháng 1 năm nay. So với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 4, thị giá FPT đã giảm 23%. Vốn hóa tương ứng bị thổi bay hơn 1 tỷ USD sau hơn 6 tháng.
Cổ phiếu FPT giảm mạnh từ đỉnh
Sự đi xuống của cổ phiếu FPT thời gian gần đây chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động không thuận lợi của thị trường chung trong khi tình hình kinh doanh của tập đoàn vẫn tăng trưởng cao. 9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận tổng doanh thu đạt 30.975 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, đều tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi ròng sau thuế thu về 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 30% lên 3.943 tỷ đồng.
Về cơ cấu, khối Công nghệ đóng góp 17.742 tỷ đồng doanh thu 9 tháng đầu năm, LNTT tăng 26% lên 2.635 tỷ đồng, chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn. Doanh thu Dịch vụ viễn tăng trưởng 16% lên 10.243 tỷ đồng. Biên lợi nhuận được mở rộng từ 18,1% lên 18,8% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV. Mảng giáo dục tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 47% đạt 3.104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022.
KQKD 9 tháng đầu năm của FPT
Trong báo cáo mới đây, SSI Research lo ngại về khả năng xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng đến tình hình lạm phát của EU và rủi ro suy thoái tiềm ẩn, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu cho CNTT ở Châu Âu. Tuy nhiên, FPT có tỷ trọng doanh thu ở thị trường EU không đáng kể và ở mức thấp nhất so với các công ty cùng ngành tại Ấn Độ. Do đó, mảng CNTT nước ngoài của FPT có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với các đối thủ trong trường hợp chiến tranh kéo dài giữa Nga và Ukraine.
Bên cạnh đó, FPT còn có vị thế tiền mặt ròng là 4.900 tỷ đồng, một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lãi suất cho vay tăng. Đây cũng có thể là một lợi thế cạnh tranh khác của FPT so với các công ty khởi nghiệp với dòng tiền yếu hơn. Hơn nữa, SSI Research cho rằng sự cạnh tranh từ các công ty CNTT khởi nghiệp & quy mô nhỏ có thể được giảm bớt do việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh gặp trở ngại trong môi trường lãi suất tăng.