Áp lực giảm điểm trên thị trường quốc tế dần hiện diện rõ rệt hơn lên chứng khoán Việt Nam. Thông tin bất định về việc FED có thể tăng lãi suất mạnh khiến các thị trường tài chính rơi vào đợt điều chỉnh mạnh.
VN-Index ngay lúc mở cửa phiên đầu tuần đã cảm nhận áp lực bán ngày một gia tăng khi chỉ số chìm trong sắc đỏ. Phe mua thiếu động lực khi vẫn đứng ngoài quan sát còn bên bán vẫn giao dịch quyết liệt khiến thị trường ngày một xấu hơn.
Thị trường rơi mạnh hơn về phiên chiều khi lượng cổ phiếu T+2,5 về tài khoản, đẩy chỉ số có thời điểm về sát vùng hỗ trợ 1.200 điểm. VN-Index kết phiên rơi 28,6 điểm (-2,32%) còn 1.205,43 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7 đến nay.
HNX-Index cũng ghi nhận tình trạng bán tháo dữ dội khi mất 8,63 điểm (-3,16%) về 264,25 điểm. UPCoM-Index rơi 1,25% còn 88,34 điểm.
Nhóm vốn hóa lớn mặc dù có tỷ lệ mất giá thấp hơn nhưng tỷ trọng vốn hóa cao lại có tác động xấu nhất. Rổ lớn nhất VN30 ghi nhận mức giảm 1,83% với 27/30 mã giảm giá, rổ vốn hóa vừa VNMID lao dốc 3,21% và chỉ số đại diện cổ phiếu nhỏ VNSML rơi đến 3,74%.
Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường là ngân hàng đương nhiên gây ra tác động tiêu cực nhất. Hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ với mức giảm khá sâu, trong đó có thể kể đến BID bị bán mất 3,7% giá, TPB rơi 5,9%, SHB lao dốc 5,1% hay MBB mất 3,7% giá trị.
Một cổ phiếu thuộc nhóm VN30 thậm chí còn giảm sàn là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Mã này bị bán hết biên độ về 22.900 đồng, gây ra đến 1,7 điểm giảm của toàn thị trường.
Áp lực bán tháo còn hiện diện ở nhiều nhóm ngành có tỷ trọng lớn như bất động sản với nhiều mã giảm sàn, cổ phiếu thép và phân bón trong sắc "xanh lơ", nhóm thủy sản hay dầu khí cũng quanh các mức giá sàn.
Trong diễn biến đỏ lửa của thị trường vẫn có nhiều trường hợp đi ngược. Đơn cử như VIC và FPT là 2 mã xanh duy nhất trong nhóm vốn hóa lớn VN30, hay EIB cũng là sắc xanh hiếm hoi của các đại diện ngành ngân hàng.
Một số cổ phiếu tầm trung cũng bứt phá ấn tượng khỏi xu thế như nhóm đầu tư công có PLC bứt phá 6,8% đạt 29.700 đồng, HHV tăng hơn 5% lên 15.700 đồng, BMC tăng 4,7%. Bên cạnh còn có bộ đôi HAG leo thêm 1,8% lên 13.850 đồng và HNG tiến 0,8% đạt 6.160 đồng.
Thị trường chung cơ bản vẫn chìm trong "biển lửa" với sắc đỏ chiếm áp đảo. Toàn sàn có 762 mã giảm giá (trong đó 94 mã giảm sàn) và chỉ có 202 mã tăng giá, 132 mã đi ngang.
Thanh khoản thị trường nhìn chung cũng có sự gia tăng nhưng chỉ yếu do áp lực bán tháo với tổng giá trị giao dịch tăng 9% lên mức 19.412 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE nhích nhẹ 2% đạt 14.891 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại cũng trở nên ảm đảm nhưng theo chiều hướng hỗ trợ. Trên sàn HoSE, khối này mua vào 828 tỷ và bán ra 679 tỷ, tương đương mua ròng 149 tỷ đồng. Các mã được mua nhiều là HPG và DGC.
Dự báo trước cho tuần 19-23/9, phần lớn các đơn vị phân tích nhận định không mấy lạc quan do dòng tiền của nhà đầu tư vẫn tiếp tục thận trọng. Thêm vào đó, dòng tiền mua cũng ưu tiên đứng ngoài quan sát trước cuộc họp lãi suất của FED diễn ra vào ngày 20-21/9.