Thị trường bất ngờ phản ứng rất xấu mặc dù số liệu vĩ mô tháng 6 tích cực. Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 chìm vào bán tháo toàn diện dù hai sàn chỉ có 30 mã giảm sàn. VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm, xuống 1.177,3 điểm và đang ngấp nghé thủng đáy...
Chứng khoán thế giới khá yếu nhưng cũng không phải là sức ép quá lớn, mạch thông tin trong nước hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nhu cầu bán giá thấp lại gia tăng đột biến, đẩy thanh khoản sáng nay tăng 29% so với sáng hôm qua, đồng thời cổ phiếu giảm hàng loạt.
Độ rộng của VN-Index chỉ còn 57 mã tăng/409 mã giảm, trong đó 17 mã giảm sàn, 200 mã giảm trên 2%, 60 mã giảm trên 1%. Dù VN-Index chỉ lao dốc mạnh từ giữa phiên, nhưng độ rộng lại cực hẹp ngay từ đầu: Lúc 9h30 HoSE đã chỉ còn 86 mã tăng/299 mã giảm. Điều này cho thấy thị trường có xu hướng giảm từ rất sớm.
Nhóm blue-chips chỉ còn sót lại VNM tăng 0,42%, BVH tăng 0,57%. Nhóm trụ rơi rất mạnh gồm GAS giảm 2,86%, GVR giảm 3,1%, HPG giảm 2,47%, VCB giảm 1,2%. Rổ VN30 có 11 mã rơi trên 2% giá trị, chỉ số đại diện giảm 1,4%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phản ứng mạnh hơn đáng kể so với blue-chips, Midcap giảm 2,32%, Smallcap giảm 2,78%. Với độ rộng quá hẹp, tất cả các nhóm cổ phiếu đều giảm giá, chỉ là mức độ khác nhau.
Đà lao dốc của VN-Index xuất hiện ngay từ đầu phiên.
Khối ngoại hoàn toàn không phải bên tham gia bán tháo, trái lại còn đang mua ròng. HoSE chỉ ghi nhận tổng giá trị bán 440,9 tỷ đồng từ khối này, chiếm xấp xỉ 8% tổng giao dịch của sàn. Mức mua vào đạt 622,5 tỷ, chiếm 11,3%, tương ứng mua ròng 181,5 tỷ đồng.
Như vậy lực bán tháo chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Điều đáng chú ý là nhóm blue-chips tuy đang điều chỉnh nhưng phần lớn có nhịp tăng khá tốt trước đó, nên mức độ giảm vẫn cao hơn so với đáy gần nhất. Trong khi đó cả VN-Index lẫn VN30-Index lại đang giảm nhanh hơn về sát đáy cũ. Do đó nếu kịch bản xấu xảy ra là các blue-chips lớn kiểm định đáy, sức ép có thể khiến các chỉ số này thủng đáy.
Thanh khoản phiên sáng nay tăng cao một phần vì lượng hàng T+3 về tài khoản hầu hết là lỗ và phiên T+3 đạt giao dịch khá lớn. Cụ thể, ở HoSE, thanh khoản ngày 28/6 là 12,52 ngàn tỷ đồng khớp lệnh và 14,43 ngàn tỷ tính cả thỏa thuận. Đây là phiên thanh khoản đột biến nhất trong giai đoạn trầm lắng nửa sau tháng 6. Riêng với các blue-chips, mức lỗ T+3 nếu bán sáng nay nhiều mã vượt 3%, thậm chí là -7%, tạo sức ép khá lớn.
Điều ngược lại, nếu nhà đầu tư đã lướt sóng thành công trong nhịp phục hồi vừa qua sẽ có cơ hội để mua lại với mức chiết khấu tương ứng. Do đó thị trường sẽ thu hút dòng tiền tốt hơn từ những nhà đầu tư lạc quan. Sáng nay thị trường lao dốc rất mạnh và liên tục, nhưng tình trạng bán tháo cực điểm vẫn không xảy ra. Số lượng cổ phiếu giảm sàn chủ yếu nằm ở nhóm đầu cơ.